Chuyện học sinh tiểu học bắt đầu biết xài tiền đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng không biết phải dạy con mình chi tiêu ra sao, để giáo dục các em biết quý trọng đồng tiền ngay từ bé, biết tiết kiệm từ những đồng tiền của bố mẹ.
Tiểu học chưa nên xài tiền?
Anh L.T.P, phụ huynh một học sinh lớp 2 trường tiểu học Đuốc Sống, quận 1 (TP.HCM), tâm sự: Anh và bà xã hốt hoảng khi thấy tiền xì lì tết của con gái cứ vơi dần. Qua tìm hiểu anh mới biết mỗi ngày cháu lấy 10 ngàn đồng mang vào trường mua những vật dụng đồ chơi mà cháu thích.
Theo anh P, lứa tuổi này cha mẹ không nên cho con xài tiền vì các cháu xài không được định hướng, xài vào những việc không cần thiết sẽ hình thành thói quen lãng phí. Ở nhà, cha mẹ cũng lo cho con ăn sáng no đủ, nên nhu cầu xài tiền là không có.
Đưa trẻ đi chợ, siêu thị để giúp con biết chi tiêu vào những việc cần thiết...
Còn anh Nguyễn Văn Chiến, phụ huynh trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, cho biết: Con gái anh học lớp 3 đã biết xài tiền, tiền lì xì tết cháu cất riêng và dùng cho việc mua những logo, hình ảnh để về trang trí phòng của mình.
Theo anh Chiến, thấy con mua đồ chơi, giấy màu những hình ảnh mang về nhà tô màu thì cũng không la rầy gì. Nhưng năm nay cháu học lớp 5, đã biết về nhà vòi vĩnh mẹ cho tiền đi học. Bé kể: “Các bạn cùng lớp được cho tiền, nhiều bạn có vài trăm ngàn đồng trong cặp, ra chơi các bạn lại xúm nhau ăn uống ở căng tin, còn con không có tiền không chơi với bạn được…”.
Tiền khỏa lấp tình cảm - dao một lưỡi
Anh Đỗ Anh Dũng, chủ shop thời trang nổi tiếng ở quận 1, phân trần: Việc kinh doanh hàng năm thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh không rõ mỗi tháng gia đình anh xài bao nhiêu tiền, anh nhẩm tính chi phí các thứ, tiền học hành của con cái mỗi tháng gia đình anh xài cũng tầm 30 triệu đồng. Anh thường cho con 40 ngàn đồng/ngày, cháu có dự tiệc tùng, sinh nhật bạn bè thì cho 200 ngàn đồng/lần, nếu cháu có nhu cầu xin thêm thì cũng cho.
Theo anh Tuấn, một ngày bố mẹ cho con 40-50 ngàn đồng để tiêu vặt và cũng không cần quản lý, vì các cháu xài cái vèo là hết. Chờ các cháu học xong, làm ra tiền thì lúc đó các cháu tự quản lý tiền kiếm được.
Trong một hội thảo mới đây dành cho tuổi teen về việc xài tiền sao cho hợp lý, một nữ sinh lớp 11 một trường quốc tế bức xúc: Trong lớp con học, nhiều bạn trong túi lúc nào cũng có 5-10 triệu đồng, hết tiền là “alo” cho ba mẹ chuyển khoản vào thẻ và rút tiền tiêu xài. Cuối tuần, các bạn rủ nhau đi shopping xem quần áo, giày dép hàng hiệu.
Đặc biệt, có bạn vi phạm nội quy nhà trường bị thầy giám thị phạt, nhắc nhở, bạn ấy thẳng thừng nói với thầy là “Ông đừng kỷ luật tôi, ông muốn bao nhiêu tôi đưa”…
Chị Hồng Ngân, có con đang học lớp 10 tại trường một trường dân lập, cho biết: Hàng tuần chị phải nhờ người thân mang tiền vào tiếp tế cho cháu vì lúc nào cháu cũng bảo thiếu tiền, ăn uống ở nội trú giá đắt, phải đi sinh nhật bạn bè, mua quần áo đẹp cho xứng với bạn ở Sài Gòn. Chị tưởng thật, cứ nghĩ con mình ở nội trú không được bố mẹ quan tâm, cho tiền xài vô tư, không ngờ cháu dùng tiền đó đánh bài, đá bóng ăn tiền vào những ngày cuối tuần về nhà người quen. Sau một năm, cháu mắc nợ bạn bè hơn 20 triệu đồng. Hoảng quá, ba cháu phải đưa cháu về quê học để quản lý.
Định hướng để trẻ xài tiền đúng mục đích
Trong một buổi nói chuyện chuyên đề với các bà mẹ về việc giáo dục con cái, GS-TS Trần Văn Khê có đề cập đến việc cho trẻ tiền chi tiêu. GS kể về việc dạy con tiêu tiền: “Con trai tôi qua Pháp học đại học, tôi dạy cho cháu cách tiết kiệm là phải đi học bằng xe điện ngầm.
Con tôi không đi xe điện ngầm vì tiền vé tính ra cả năm học hơn tiền mua hai, ba chiếc xe đạp. Thế là cháu quyết định mua xe đạp đi học, tính ra ba, bốn năm học đại học con tôi tiết kiệm cho ba mẹ được khoản tiền này. Học xong đại học, cháu bán lại chiếc xe đạp, tiền bán xe cháu mua quà về nước tặng mẹ”.
Theo GS Khê, trong chi tiêu hàng ngày của gia đình việc cha mẹ tiêu pha tiết kệm, xài đúng mục đích giúp các cháu thấy được và học tập dần và tự hoạch định được việc tiêu tiền.
Còn theo bà Trần Thị Huế, cán bộ dự án giáo dục tài chính của Save the Children, khảo sát phụ huynh ở TP.HCM cho thấy hơn 90% trong số họ không biết sẽ làm như thế nào để giáo dục con về tiền bạc, hoặc đã thực hiện nhưng không biết đúng cách. Vẫn còn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái khi trò chuyện các vấn đề tiền bạc - tài chính. Các em thường rất ngại phải giải trình về các khoản tiêu xài…mỗi khi xin tiền.
Sử dụng đồng tiền đúng mục đích, phù hợp, tránh tiêu xài hoang phí làm ảnh hưởng đến tính cách của các em sau khi trưởng thành. Cha mẹ cũng cần theo dõi “ngân sách” tiết kiệm của các cháu ít nhất ba tháng/lần, mở tài khoản tiết kiệm và các em biết tiết kiệm ít nhất 5% số tiền tiêu vặt cha mẹ cho.
Theo Gia đình Việt Nam
Video bạn có thể quan tâm: Hình ảnh thực nghiệm hiện trường nữ sinh lớp 12 giết cán bộ huyện