Giờ thì anh thấy em hoàn toàn có lý khi đã kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Em luôn dạy các con đi đâu, làm gì, ăn uống bất cứ thứ gì cũng phải nhớ đến ông bà, cha mẹ.
Có một cái bánh, em cũng cắt ra bảo con để phần cho ba dù chỉ là một miếng nhỏ. Lên bàn ăn, trước khi gắp thức ăn cho con, bao giờ em cũng gắp bỏ vào chén anh trước.
Em bảo phải dạy con thảo ăn, biết nghĩ tới người khác. Song, anh thì lại hay cằn nhằn: “Có một chút xíu, ăn không dính kẽ răng mà để phần làm chi?”. Anh nói như vậy là vì thương con, muốn nhịn miệng cho con. Hồi đó nhà nghèo, bữa ăn có gì đâu mà phải chừa, phải để, phải nhường nhịn qua lại cho mất công?
Thế nhưng, em vẫn không cho phép con đụng đến phần ăn đã để dành cho ba hay ông bà nội. Đôi khi anh rất bực mình vì sự máy móc đó nhưng em vẫn kiên trì thuyết phục: “Phải dạy con biết chừa, biết để từ nhỏ anh à. Nếu không, sau này con cái lớn lên, chúng sẽ rất ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân chứ không nghĩ đến những người xung quanh”.
Em đi đâu về, có cái bánh ngon vẫn bảo con mang lên cho ông bà mặc chúng thòm thèm. Lên bàn ăn, miếng ngon nhất vẫn là để cho ông bà và ba. Con lớn lên một tí, có dịp tụ tập bạn bè vui chơi, bày chuyện nấu nướng, em vẫn dặn dò nấu xong phải lấy riêng phần cho ba rồi mới được ăn uống… Em đúng là bảo thủ!
Cho đến khi anh sang nhà bà con, bạn bè và tận mắt chứng kiến cảnh con cháu ăn hỗn, không biết chừa, biết để, lên bàn ăn có miếng ngon chẳng biết nhường nhịn, anh mới nghĩ là em có lý. Nghe bạn bè than phiền về con cái của họ, anh càng nể em hơn. Trong chuyện này, em đã đúng hoàn toàn. Anh rất tự hào về con cái của mình khi chúng hiếu thuận, biết kính trên nhường dưới. Trái ngọt này, anh xin nhường cả cho em…