“Phiếu chi mà nhóm người của Trung tâm đưa ra có con dấu vô cùng mập mờ, chữ ký của Dương cũng không rõ nét… Tôi nghi ngờ đây là phiếu chi không hợp lệ”, ông nội Dương cho hay.
Liên quan tới vụ án oan của anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội), nhân viên công tác trong ngành ngân hàng đột nhiên bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng 15 ngày. Sau đó anh bị kết án 30 tháng tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trải lòng về những tháng ngày anh Dương mang trong mình bản án oan, Ông Vũ Quốc Dinh – ông nội nạn nhân chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vô cùng uất ức vì bị kẻ xấu đặt điều, vu oan cho cháu Dương”.
Nhớ lại khoảng thời gian Dương bị kẻ xấu hãm hại, Ông Dinh cho biết:
“Khoảng cuối năm 2010, có ba người đàn ông có bộ dạng to béo (theo miêu tả của ông Dinh) tới gia đình và tự xưng là cán bộ của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh. Họ cho biết Dương hiện là thành viên của trung tâm và đã đi khuyên góp được số tiền 100 triệu đồng để trung tâm phục vụ vào mục đích Từ thiện.
Tuy nhiên họ cho biết Dương đã ỉm đi số tiền 100 triệu đó và yêu cầu gia đình phải hoàn trả nếu không sẽ đâm đơn kiện bắt Dương đi tù”.
Ông Dinh (ông nội anh Dương) chia sẻ với PV.
Khoảng thời gian ấy, Dương đang công tác tại ngân hàng thành phố Hà Nội, bản thân Dương cũng vừa mới ra trường được khoảng thời gian chưa lâu. Gia đình chưa bao giờ nghe Dương đề cập tới việc mình có gia nhập Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh.
Từ những cơ sở như vây, ông Dinh đặt ra nghi ngờ có sự “dối trá” ở đây. Nhóm người kia lập tức đưa ra những phiếu chi có chữ ký của Dương làm bằng chứng cho thấy Dương đã lấy số tiền.
Theo ông Dinh, phiếu chi đó có con dấu vô cùng mập mờ, chữ ký của Dương cũng không rõ nét… “Tôi nghi ngờ đây là phiếu chi không hợp lệ”, ông nội Dương cho hay.
Ông Dinh yêu cầu nhóm người lạ đưa ra danh sách tình nguyện viên của trung tâm. Tuy nhiên vào lúc đó, nhóm người lạ lục tìm danh sách 10 thành viên của trung tâm nhưng vẫn không tìm thấy tên của Dương. Nhóm người này lập tức “chữa cháy” bằng việc họ quên chưa điền tên Dương vào danh sách.
“Khoảng hai ngày sau, nhóm 3 người tiếp tục tìm đến nhà tôi và nêu ra yêu cầu tương tự. Lần này họ đưa ra danh sách thành viên của trung tâm có tên của cháu Dương.
Bản thân tôi luôn tin tưởng Dương không bao giờ có hành động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tổ chức nào. Hơn nữa Dương đang công tác tại ngân hàng, vì mới ra trường nên chắc chắn sẽ phải toàn tâm toàn ý vào công việc, thời gian đâu đi tham gia vào tổ chức này, trung tâm nọ…
Yêu cầu của nhóm người lạ lập tức không được gia đình chấp thuận, vụ việc bẵng đi khoảng hơn nửa năm sau, tưởng đã êm xuôi nhưng ngờ đâu cháu Dương bị công an huyện Đông Anh triệu tập và bắt tạm giam hơn 4 tháng chờ xét xử”, Ông Dinh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân đang thực nghiệm lại hành vi làm giả giấy tờ trước Cơ quan điều tra. Ảnh: Người Lao Động
Tháng 9/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao Hà Nội kết án Dương 30 tháng tù tội Lạm dụng tín nhiệm tài sản.
Chia sẻ về vấn đề này, ông nội Dương bức xúc: “Cháu tôi rõ ràng bị oan sai, bản thân tôi già cả nhưng cũng nghi ngờ được giấy tờ mà trung tâm kia đưa ra là giả, tại sao cơ quan tố tụng, tòa án lại có thể tin những chứng cứ đó là sự thật. Rõ ràng năng lực của tòa án là rất kém”.
Bà Ngô Thị Thành, bà nội anh Dương cho biết thêm: “May mắn nhất là khi vụ việc đã được làm sáng tỏ, gia đình tôi mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng xử lý những kẻ đã vu khống Dương, đẩy cháu tôi rơi vào hoàn cảnh không có công ăn việc làm như hiện tại”.
Sau khi kiểm tra, xác minh đơn tố giác tội phạm nêu trên, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định: Ngày 18/11/2010, ông Bùi Văn Chính, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh đến Công an huyện Đông Anh tố cáo anh Dương lợi dụng danh nghĩa tình nguyện viên của Trung tâm để chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền tài trợ của Công ty cổ phần dịch vụ-thương mại-xây dựng CODICO và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Khuê.
Ngày 25/7/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Ngọc Dương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Ngày 5/4/2012, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao thành phố Hà Nội quyết định truy tố ra trước Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử đối với bị can Vũ Ngọc Dương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự. Bản án số 503/2012/HSST ngày 21/11/2012 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xử phạt anh Dương 30 tháng tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Bản án số 565/2013/HSPT ngày 10/9/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã quyết định y án sơ thẩm đối với Vũ Ngọc Dương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Sau phiên tòa phúc thẩm anh Dương và gia đình đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao với nội dung các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các hồ sơ tài liệu giả mạo để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kết án oan cho anh Dương.
Ngày 25/7/2014, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã quyết định trưng cầu Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng giám định lại và xác định: so sánh mẫu ghi của Vũ Ngọc Dương trên các tài liệu là không phải do cùng một người viết, ký ra.
Từ các tài liệu bị làm giả phản ánh không đúng sự thật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, truy tố và xét xử đối với Vũ Ngọc Dương dẫn tới việc đã làm thay đổi toàn bộ sự thật về nội dung, bản chất sự việc.
Ngày 10/11, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao có Công văn số 310/VKSNDTC-C6 (P3) gửi Tòa án và Công an thành phố Hà Nội đề nghị xem xét việc tạm hoãn thi hành án đối với anh Vũ Ngọc Dương, bị Tòa án Nhân dân Hà Nội, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên phạt oan 30 tháng tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."
Theo Đức Thuận - Xuân Tùng (Người đưa tin)