Theo bác sĩ, nguyên nhân người mẹ bị sụt tới 33 kg sau khi sinh chủ yếu xuất phát từ thể trạng, trạng thái tinh thần của sản phụ.
Mới đây, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1989, ở Hải Hậu, Nam Định) sụt tới 33kg sau khi sinh khiến nhiều người giật mình. Theo chẩn đoán của bác sĩ, chị Hòa mắc chứng trầm cảm thể nặng sau sinh.
Nhiều phụ nữ rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi sinh. Ảnh minh họa |
Theo đó, chị Hòa sau sinh lần 1 có dấu hiệu sợ sệt, rón rén, rửa tay liên tục. Sau sinh lần 2, chị trở nên lẩn thẩn, không ăn, không ngủ, không uống thuốc và từ 57kg chị chỉ còn 24kg hiện đang điều trị tại khoa A6 (khoa Cấp tính nữ), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Trưởng khoa Cấp tính nữ cho biết, đây là ca bệnh hy hữu ông từng điều trị. Hiện bác sĩ phải dùng biện pháp trộn thuốc vào sữa và cho ăn qua đường xông.
Trao đổi về trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh trầm cảm của phụ nữ sau khi sinh là căn bệnh phổ biến và thường gặp, tuy nhiên ở thể nặng như bệnh nhân trên là hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này xuất phát từ thể trạng, trạng thái tinh thần của sản phụ.
"Thông thường, phụ nữ khi mang thai thể trạng vốn đã yếu hơn người bình thường, cộng thêm tâm lí cũng nhạy cảm và nhiều nỗi lo lắng hơn những người bình thường. Những người phụ nữ sinh con không như ý nguyện là đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm này nhất, ví dụ như sinh con không khỏe mạnh, giới tính của con không như mong muốn, gặp áp lực từ chồng, gia đình nhà chồng hoặc tâm lí bất ổn lo lắng về mọi thứ trong cuộc sống", ông Ánh phân tích.
Để tránh tình trạng trầm cảm sau sinh, bác sĩ Ánh khuyên, gia đình các sản phụ nên lưu ý quan tâm các thái độ của sản phụ. Nếu có những dấu hiệu như sợ hãi, chán ăn, hoang tưởng, hay than phiền chuyện chồng con thì nên quan tâm, động viên và đưa đến bệnh viện khám chữa kịp thời.
“Bệnh trầm cảm sau sinh không nguy hiểm như bệnh tâm thần, nếu kịp thời chữa trị thì khả năng phục hồi rất lớn. Tuy nhiên, nếu để lâu và trở thành mãn tính thì rất nguy hiểm”, bác sĩ Ánh nói.
Cũng theo bác sĩ Ánh cho biết, việc phụ nữ sinh lần đầu hay lần thứ hai mắc bệnh trầm cảm đều xuất phát từ những nguyên nhân kể trên. Có những trường hợp người phụ nữ mạnh mẽ thì dù sinh nhiều lần và gặp chuyện gì họ cũng không rơi vào trạng thái u uất, tiêu cực nhưng với những người yếu đuối thì ngược lại.
Nhìn nhận sự việc ở góc độ tâm lý, chuyên gia Phạm Hiền nhận định, phụ nữ sau khi sinh đã trải qua một quá trình mang thai, vượt cạn khó khăn nên ảnh hưởng đến tâm lí, cảm xúc và sức khỏe rất nhiều. Không những thế, sau khi sinh họ lại đối mặt với nhiều nỗi lo, dẫn đến việc rối loạn cảm xúc và sau đó là trầm cảm nếu không được giải tỏa kịp thời.
“Những người vợ sau sinh thường có nỗi lo chính là từ phía người chồng, đặc biệt là tính ghen và đa nghi. Việc ở nhà chăm con và không có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài khiến các bà vợ trở nên bí bách, điều này lại càng khiến tính đa nghi trỗi lên. Họ lo lắng việc các ông chồng Ngoại tình bên ngoài. Cộng thêm các tranh cãi từ việc xung đột về cách chăm sóc, giáo dục con từ các mối quan hệ như mẹ chồng - con dâu...cũng khiến họ rơi vào trạng thái ban đầu là tranh cãi rồi dẫn đến bất cần và trầm cảm. Và không loại trừ lý do phụ nữ hay lo lắng thái quá về dung nhan của mình cũng khiến chị em rơi vào sự tự ti, dẫn đến nóng vội và có những cách nói năng, hành xử không đúng mực”, bà Hiền nói thêm.
Để giải tỏa được tâm lí bất ổn sau khi sinh, chuyên gia tâm lý khuyên, bản thân người phụ nữ phải hiểu được rằng, không nên quá cầu toàn; tốt nhất nên đả thông tư tưởng, điều chỉnh được tư duy theo hướng cởi mở, tích cực và nhìn nhận khách quan về quan điểm cách nuôi và dạy con linh hoạt. Ngoài ra, nên tin tưởng, chia sẻ với chồng thay vì cả nghĩ, lo ngại chồng có mối quan hệ ngoài luồng.
"Sau khi sinh phụ nữ có thể chưa thể làm được những việc mình muốn thì nên có một sự gọi là "trao quyền" nhất định sẽ giúp mình thoải mái hơn. Ví dụ mình không tắm được cho con mà bà tắm thì cũng nên biết ơn, tôn trọng. Hay việc áp dụng các phương pháp nuôi con kiểu Nhật, kiểu Pháp... không được như ý muốn thì cũng nên hiểu rằng đó cũng chỉ là sách vở, lý thuyết", bà Hiền nói.
Về phía các ông chồng, bà Hiền khuyến cáo, nên quan tâm, đồng hành cùng vợ để nắm bắt, chia sẻ được với vợ những biến đổi trong suy nghĩ ở giai đoạn này. Tránh trường hợp vợ ấm ức mà chồng lại bất cần thì dễ dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
Dã Quỳ