Không treo biển mở phòng khám nhưng ngày nào nhà Đại tá, lương y Phạm Mược (SN 1945) ở số 8 ngõ 376/31 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội vẫn luôn nhộn nhịp bệnh nhân đến khám. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được ông Mược khám miễn phí và cho thuốc mang về điều trị.
Dùng cây rừng chữa bệnh cho đồng đội
Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm nghề bốc thuốc, ngay từ nhỏ ông Mược đã được cha và ông nội truyền cho cách bào chế các bài thuốc đông y. Lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia kháng chiến ở chiến trường Bình Trị Thiên. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm thứ, lại ăn ở ròng rã giữa núi rừng, ông Mược và đồng đội phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật. Có lần, một chiến sỹ trong đại đội của ông bị đau bụng tiêu chảy và không còn sức hành quân, lúc đó, do có được những kinh nghiệm quý về thuốc nên ông Mược đã tìm ra các loại lá cây rừng để chữa bệnh cho đồng đội.
Lương y Phạm Mược đang bốc thuốc cho khách ngay tại nhà mình. |
Từ đó đồng đội biết đến ông Mược không chỉ là người lính đánh giặc giỏi mà còn là anh thầy thuốc tài ba. Các loại bệnh tiêu chảy, rắn độc cắn, đau đầu, sốt rét… đều được ông Mược khống chế, nên rất ít khi đồng đội của ông bị đau ốm. Nhớ lại những ngày đó, ông Mược hồ hởi kể: “Cũng may trước khi đi đánh giặc, tôi được cha dẫn lên rừng tìm cây thuốc, nên tôi hiểu rất rõ tác dụng của từng loại cây. Vào rừng, cây thuốc rất nhiều, nên mỗi lúc nghỉ ngơi tôi tranh thủ lấy Cây thuốc để hướng dẫn cho đồng đội tác dụng và cách điều trị, về sau đồng đội tôi ai cũng biết tự chữa bệnh cho mình”.
Sau giải phóng, ông Mược về quê nhưng không kế nghiệp bốc thuốc của gia đình mà đi theo con đường quân ngũ. Nhưng dù thời chiến hay thời bình và dù làm ở vị trí nào, ông cũng dành thời gian nghiên cứu, bào chế ra các phương thuốc mới để chữa bệnh cho người dân. Từ ngày được giao nhiệm vụ về làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn pháo binh 675, ông Mược tiến hành xây dựng mô hình mỗi tiểu đoàn tự trồng cho mình một vườn cây thuốc. Được ông Mược hướng dẫn cho cách chăm sóc và tác dụng của từng cây thuốc, nên chiến sĩ ở các tiểu đội ai nấy đều tự biết chữa bệnh cho mình.
Năm 2005 nghỉ hưu, ông về nhà làm nghề bốc thuốc, khách của ông là những đồng đội cũ, đồng đội mới, là những người bệnh nghèo ở khắp mọi nơi tìm đến nhờ ông khám và chữa bệnh. Người này truyền tai người kia về tài chữa bệnh của ông, nên càng ngày lượng người kéo đến nhờ ông chữa bệnh càng đông, nhiều người khuyên ông treo biển, mở phòng khám nhưng ông lại tâm niệm: “Cả đời tôi theo nghiệp quân ngũ, về nhà còn chút thời gian, sức lực thì bốc thuốc chữa bệnh giúp người dân chứ không muốn làm kinh doanh. Ai có bệnh thì chữa bệnh cho họ, nghèo quá thì tôi cho luôn thuốc chứ cũng không lấy tiền, miễn sao họ khỏe lại là được”.
Cũng năm 2005, dù đã ở tuổi 60 nhưng ông Mược vẫn theo học 2 năm lớp lương y chuyên sâu để củng cố kiến thức và nghiên cứu sâu hơn về y học cổ truyền, ông đạt kết quả tốt nghiệp loại giỏi. “Dù lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm bốc thuốc, nhưng tôi vẫn quyết định đi học để nắm bắt cho kịp sự phát triển của y học hiện đại và hiểu biết thêm về môi trường sống để tích lũy kinh nghiệm bào chế ra các phương thuốc phù hợp với thời đại”, lương y Mược vui vẻ nói.
Bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày và đại tràng
Theo lương y Phạm Mược, nguyên nhân bệnh dạ dày chủ yếu là do chế độ ăn uống không phù hợp, ăn nhiều chất cay, chất nóng, uống nhiều rượu bia, một nguyên nhân khác là do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Các triệu chứng thường gặp như: Đau vùng trên rốn sau khi ăn xong, khi đói ăn vào rất hay bị đau và có cảm giác đau âm ỉ, đau bỏng rát, quằn quại từng cơn, ăn không tiêu, đầy bụng, ợ chua…
Lương y Phạm Mược xin được gửi đến bạn đọc Báo Lao Động và Đời sống bài thuốc chữa đau dạ dày gồm các vị sau: Bạch truật (5gr), Bạch cập (5gr), lá Khổ sâm (5gr), Cam thảo (10gr), Kê nội kim (10gr), Bồ công anh (10gr), Ô tặc cốt (10gr), Thạch xương bồ (10gr), Xuyên hoàng liên (10gr), Chè dây (10gr), Hoàn ngọc diệp (10gr), Đẳng sâm (10gr), Quả nhàu (10gr), Khương hoàng (15gr)…
Bài thuốc này chỉ dùng cho người lớn và có sức khỏe bình thường, đối với trẻ em nếu bị đau dạ dày cần được khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Về cách dùng, cho các vị thuốc trên vào nước ngâm khoảng 30 phút, sau đó cho vào nồi sắc. Khi sắc, đổ 3 bát nước vào nồi đun cạn lấy 1 bát, đun 3 lần như vậy lấy 3 bát sau đó đổ chung số thuốc đó vào với nhau và uống ngày 3 lần.
Cũng nhân dịp này, lương y Phạm Mược xin giới thiệu thêm tới bạn đọc bài thuốc chữa đại tràng. Theo lương y Mược, nguyên nhân chính của bệnh viêm đại tràng là do bị nhiễm khuẩn đường ruột cấp, thương hàn, lỵ trực khuẩn, nhiễm khuẩn gây tổn thương đến niêm mạc đại tràng gây viêm loét đại tràng. Bệnh đại tràng gây cho người bệnh mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người đi tiêu lỏng nhiều lần/trong ngày, phân có nhầy hoặc máu…
Bài thuốc chữa đại tràng của lương y Mược gồm các vị sau: Sơn tra (10gr), Binh lang (10gr), Kê nội kim (10gr), Kha tử nhục (10gr), Bạch truật (10gr), Thương truật (10gr), Hoài sơn (10gr), Liên nhục (10gr), Ý dĩ (10gr), Mộc hương (10gr), Sa nhân (10gr), Ô tật cốt (10gr), Chỉ xác (6gr), Hậu phác (6gr), Bạch biển đậu (10gr), Cam thảo (6gr), Ngũ vị tử (6gr), Đinh hương (10gr), Đảng sâm (6gr), Bổ cốt chỉ (10gr), Nhục đậu khâu (20gr)… Đây là liều lượng thuốc đã được tán thành bột mịn.
Dùng thuốc tán thành bột mịn khá đơn giản và tốn rất ít thời gian, đối với người lớn mỗi ngày dùng 10gr thuốc, chia làm 2 lần vào buổi sáng và buổi tối sau bữa ăn, cho thuốc bột vào nước sôi, khấy đều sau đó đợi nguội thì uống. Trong thời gian uống thuốc, kiêng không nên uống rượu bia, không ăn thực phẩm có chất tanh, nhiều mỡ, không ăn thực phẩm tái, sống.