Cụ thể, GS. Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục khẳng định: “Việc kiến nghị như này là của trung tâm, tôi không tham gia, tuy nhiên, mục đích của việc này là cần một góc nhìn khác về văn hóa, triết học, về nghiệp vụ sư phạm. Việc có gửi tiếp bản kiến nghị lần 3 hay không thì tôi không nói được.
Còn đối với bộ sách giáo khoa công nghệ của tôi làm ra là để lịch sử chấp nhận chứ không phải hội đồng thẩm định. Bộ sách giáo khoa này mang tư cách lịch sử chứ không phải tư cách một cá nhân, mặc dù đó là sản phẩm của cá nhân làm”.
Theo ông, để viết được bộ sách công nghệ như vậy cần người có năng lực, am hiểu lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Còn việc bộ GD&ĐT mong tác giả sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 của ông chỉnh sửa, hoàn thiện bộ sách để tham gia thẩm định lại, ông cho rằng, đây là ý kiến của Bộ, chứ ông chưa bao giờ có ý định sửa lại.
“Họ yêu cầu tôi sửa lại theo cách khác, điều đó là chắc chắn không bao giờ tôi làm, chắc chắn là như vậy. Bộ sách giáo khoa của tôi chỉ có thể vươn lên cái cao hơn chứ không bao giờ có chuyện sửa lại để kém hơn, tồi hơn.
Tôi sẽ không sửa bất cứ một chữ nào, một dấu phẩy nào trong bộ sách giáo khoa công nghệ đó. Tôi giữ nguyên quan điểm và thành phẩm của mình, không để ai can thiệp vào làm mất giá trị nguyên bản đó”, ông nhấn mạnh.
Cũng theo GS. Hồ Ngọc Đại, bộ sách giáo khoa công nghệ được ông trau chuốt tỉ mỉ, kỹ lưỡng và đã hoàn chỉnh theo cách tác giả hiểu nên không thể theo ý của người khác được.
Nếu là trước đây, ông có thể sửa nhưng bây giờ thì không bởi bộ sách đó thể hiện toàn bộ tâm huyết, tư tưởng của ông. Viết sách giáo khoa quan trọng nhưng quan trọng hơn là cách đưa kiến thức đến với học sinh như thế nào.
GS. Hồ Ngọc Đại cũng từng chia sẻ, cả đời dạy học và nghiên cứu của ông chỉ dành để nghiên cứu về giáo dục Tiểu học, ông coi giáo dục Tiểu học là nền tảng của đời người, do đó bộ sách cũng là sản phẩm khoa học duy nhất đến ngày hôm nay.
“Chỉ có cuốn sách này thôi, không có cuốn sách thứ hai. Tình hình có được thay đổi hay không thì tôi nghĩ việc này phải nhờ vào các lãnh đạo cùng vào cuộc”.
Chiều ngày 8/10, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết, ông sẽ không có bất kỳ ý kiến gì liên quan đến “sự sống còn” của bộ sách, tại thời điểm này, mọi diễn biến đều là việc của trung tâm Công nghệ giáo dục.
Trước đó, trong thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, trung tâm Công nghệ giáo dục đã đề xuất một số nội dung. Ông cho rằng bộ sách công nghệ giáo dục, về mặt khoa học, đã nhiều lần được nghiệm thu, thẩm định, từng bước hoàn thiện, khá ổn định và còn nguyên giá trị.
Vì thế theo ông, không nên nhìn nhận bộ sách do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên như sách cải cách giáo dục triển khai năm 1981 được điều chỉnh hoàn thiện từ giữa thập niên 1990, cũng không nên nhìn nhận nó như sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai và giảm tải, hiện đang thực hiện.
Trong thư, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cũng nhắc lại thực tế triển khai bộ sách công nghệ giáo dục ở 48 tỉnh, thành với trên 900.000 học sinh đang học. Việc áp dụng cứng nhắc quy định pháp lý để loại sách công nghệ giáo dục sẽ gây những hệ lụy tiêu cực cho giáo dục ở nhiều địa phương.
Trước diễn biến nhiều lần kiến nghị của trung tâm Công nghệ giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Theo tôi, lý do kiến trung tâm Công nghệ giáo dục kiên trì gửi kiến nghị lên các cấp là vì, bộ sách công nghệ giáo dục được viết theo quan điểm khác, thì không thể “cứng nhắc” mà hy vọng được xem xét theo quan điểm khác.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc xây dựng chương trình sách giáo khoa mới thực hiện theo đúng pháp lệnh của Nhà nước, sẽ không có chuyện xem xét “đặc biệt” nào xảy ra”.
Theo ông Dong: “Chúng ta đang và tiếp tục thực hiện nền giáo dục mở, nếu trường học dạy kiểu “một mình một cõi” là không nên.
Trong tương lai, tất cả các sách giáo khoa, tài liệu giáo dục nên thực hiện mở, đưa lên mạng cho giáo viên, học sinh lựa chọn chứ không phải là chọn hoặc bộ này hoặc bộ kia. Khi đó, mới có sự công bằng giữa các tác giả, nhà xuất bản còn như hiện nay vẫn sẽ khó khăn trong việc lựa chọn.
Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Tất Dong cũng nhấn mạnh: “Dư luận hiện nay vẫn còn nhiều tiếc nuối vì bộ sách đã có “sức sống” 40 năm. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự đổi mới đi theo định hướng của nhà nước. Bộ sách đã trải qua mấy chục năm, nếu vẫn “giữ khư khư” tư tưởng và triết lý giáo dục như khi mới soạn thảo sách thì có thể đã không còn phù hợp, cần phải được thay đổi”.
Ngày 12/9, hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông báo, ba bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt - công nghệ giáo dục, Toán - công nghệ giáo dục và Đạo đức - công nghệ giáo dục, bị trượt ngay từ vòng đầu tiên. Cụ thể, các bản thảo không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kết luận này khiến bộ sách công nghệ giáo dục không có cơ hội để tham gia vào vòng thẩm định lần 2. |