Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không được thí điểm ở Đà Nẵng nhưng được áp dụng ở 100% các trường tiểu học của vùng đất học Thành Nam.
Infonet đưa tin, ngày 30/8, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, thành phố không thí điểm bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vào việc dạy đánh vần cho học sinh Tiểu học.
Bà Hồ Thị Cẩm Bình – Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) cho biết, chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục thiên về phát triển ngữ âm, chủ yếu với học sinh có khó khăn về phát âm hoặc phát âm không chuẩn. Chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục đang được thành phố thực hiện ổn định, chất lượng của học sinh vẫn tốt nên không thí điểm sách này.
Học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) trong giờ học môn Toán chương trình công nghệ. (Ảnh: Vietnamnet) |
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng khẳng định, việc thí điểm và thử nghiệm cần trên cơ sở phù hợp và có thể chấp nhận được.
“Thử món nào phải đàng hoàng món đó, chứ không thể đem con em ra làm “chuột bạch” miết được. Chủ trương của Đà Nẵng là không thí nghiệm, không thử nghiệm những mô hình quá lạ lẫm. Không phải là mình sợ, mà lý do là mọi cái thí nghiệm, thực nghiệm phải được kiểm định một cách tương đối bài bản, chứ còn mới dự thảo mà đưa cho Đà Nẵng thử nghiệm thì không ủng hộ!” – Ông Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.
Theo SGGP, chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được thí điểm năm 1978, sau đó năm 1985 được mở rộng ra các tỉnh. Đến năm 2000, chương trình được áp dụng tại 43 tỉnh, thành nhưng sau đó bị tạm dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ SGK thống nhất trong cả nước.
Thí điểm Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. (Ảnh: Lao Động) |
Năm 2008, chương trình này được quay lại thực hiện ở 8 tỉnh. Năm học 2010-2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Phạm Vũ Luận đã cho phép thí điểm bộ sách này trong nhà trường. Đến nay, chương trình đã được áp dụng tại 49 tỉnh, thành với hơn 800.000 học sinh.
Tại Nam Định, chương trình công nghệ giáo dục được dạy ở 100% các trường tiểu học từ 6 năm nay. Đặc biệt, trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP. Nam Định) và Tiểu học Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng) chọn đưa cả 3 môn Toán, Tiếng Việt và Giáo dục lối sống dạy thí điểm, theo Vietnamnet.
Trên cả nước hiện đang tồn tại song song cả hai chương trình dạy Tiếng Việt ở lớp 1. Bên cạnh đó, vẫn xảy ra sự thiếu thống nhất, bất cập khi lớp 1 học theo sách công nghệ giáo dục, lớp 2 học sách đại trà.
Về điều này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ trên Báo Lao Động, ngôn ngữ là thói quen nên cần có bước chuẩn bị. Bên cạnh đó, cải cách phải đảm bảo ngắn gọn, dễ sử dụng và đặc biệt là tính thống nhất, tính hệ thống thì mới được xem là cải cách thành công.
Trang Vũ (tổng hợp)