Trung Quốc vẫn tiếp tục lối hành xử ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam; những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói.
Trong khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở Hà Nội, thì Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, cho biết ông “không tin là Trung Quốc hành động theo cách mà "tay trái không biết tay phải đang làm gì"” và nhìn nhận đây là “một sự khiêu khích mới”. Chưa biết giàn khoan thứ hai của Trung Quốc sẽ được hạ đặt tại đâu, nhưng rõ ràng nó đã gây nghi ngại lớn cho cộng đồng quốc tế và Việt Nam không thể không cảnh giác.
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành xử như vậy. Cuối năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thăm Việt Nam và nhất trí trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề tranh chấp trên biển, hai bên cần cùng nhau kiểm soát tình hình, không có hành động mở rộng tranh chấp, nếu có vấn đề nảy sinh thì cùng nhau xử lý kịp thời, thỏa đáng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác phát triển giữa hai nước.
Theo GS Carl Thayer, giàn khoan Hải Dương 981 là một hành động hoàn toàn trái ngược với tinh thần trên; “hết lần này đến lần khác họ cam kết hợp tác với Việt Nam ngay trong những đối thoại giữa hai Chính phủ, thế rồi đùng một cái, không thông báo, không trao đổi trước, họ hành động đơn phương”.
Không chỉ tiếp tục “nói một đằng, làm một nẻo”, Trung Quốc còn tiếp tục vu khống, bịa đặt trắng trợn cho Việt Nam, khi tung tin các tàu Việt Nam chủ động đâm va, làm hư hỏng các tàu Trung Quốc. Nhưng bất kỳ ai có tư duy lành mạnh cũng đủ nhận thấy sự man trá và vô lý trong lời vu khống của Trung Quốc.
Cũng GS Carl Thayer phân tích, Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần, tính ra như vậy mỗi tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc tới không biết bao nhiêu lần. Và nếu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc nhiều đến vậy, chắc chắn tàu Việt Nam sẽ bị hư hỏng vì tàu Việt Nam nhỏ hơn tàu Trung Quốc rất nhiều.
Quan trọng nhất, theo GS Carl Thayer, là bằng chứng đâu?
Câu trả lời là Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào thuyết phục. Ngược lại, các cơ quan chức năng, báo chí Việt Nam đã đưa ra rất nhiều hình ảnh, kể cả video clip chứng minh điều ngược lại. Ngày 26/5, việc các tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 khiến hàng chục ngư dân gặp nạn đã được ghi lại trong một clip và đó là bằng chứng không thể chối cãi. Mới nhất, báo chí Việt Nam tiếp tục đăng tải các clip cho thấy các tàu Trung Quốc uy hiếp, đâm “tơi tả” tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam như thế nào. “Vô nhân đạo”, “như cướp biển”, đó là cụm từ mà dư luận dùng để miêu tả hành vi sử dụng vũ lực của các tàu Trung Quốc.
Và ngày 25/6, Trung Quốc công bố một bản đồ mới nhằm thực hiện cái gọi là “thể hiện rõ chủ quyền”. Trong bản đồ phi pháp này, không còn “đường chín đoạn” nữa mà hoàn toàn phớt lờ, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã đánh dấu đường 10 đoạn nuốt trọn biển Đông, lấn tới sát vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Người Trung Quốc có một giai thoại khá nổi tiếng về những lời cáo buộc ngụy tạo. Khi bị tướng Hàn Thế Trung chất vấn đâu là bằng chứng để xử tội Nhạc Phi, Thừa tướng nhà Tống Tần Cối đã trả lời: Không có, nhưng cũng không cần có. Ba chữ "không cần có" (mạc tu hữu) từ đó đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo ngang ngược, bất chấp tất cả. Hàn Thế Trung tức giận: Ba chữ “không cần có” lẽ nào có thể khiến người trong thiên hạ phục được? và dân tộc Trung Hoa đã lên án cả nghìn năm nay câu trả lời cùng nhân cách “bất chấp tất cả” đó của Tần Cối.
Người Trung Quốc cũng đã nghìn năm ngưỡng mộ những điều mà bậc “vạn thế sư biểu” của họ, Khổng Tử, đã viết trong sách Luận Ngữ về cách ứng xử đúng đắn trước nghĩa và lợi: Quân tử hiểu rõ về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về điều lợi; quân tử nghĩ sợ pháp luật, tiểu nhân chỉ nghĩ đến lợi lộc.
Thế nhưng giờ đây Trung Quốc đang bất chấp luật pháp và chính nghĩa, dẫm đạp lên đạo lý để đoạt lấy lợi ích không phải của mình trên Biển Đông, đang lựa chọn cách hành xử mà bậc chính nhân quân tử không bao giờ làm!
Và với cách tư duy chỉ biết đến lợi ích phi pháp, phi nghĩa như vậy, dường như Trung Quốc nghĩ rằng có thể dùng lợi ích kinh tế để làm chùn ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam, khi có thông tin rằng Trung Quốc đã cấm các doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu tại Việt Nam. Nhưng cần nhắc lại rằng, với Việt Nam, độc lập, chủ quyền là thiêng liêng nhất, những lợi ích kinh tế rất cần thiết nhưng không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Lịch sử đã bao lần chứng kiến người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả của cải để đợi đến ngày đánh đuổi tên xâm lược cuối cùng ra khỏi bờ cõi, từ thủa phá Tống, đuổi Nguyên, bình Ngô, diệt Thanh cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Đó là phẩm giá của dân tộc Việt Nam và như lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tuyên bố, một thước núi, một tấc sông cũng không thể nào vứt bỏ, Việt Nam quyết không đánh đổi độc lập, chủ quyền thiêng liêng lấy bất cứ điều gì.
Theo Chinhphu.vn