Sáng ngày 3/3 âm lịch, người Hà Nội dậy khá sớm đi chợ mua bánh trôi, bánh chay về cúng tổ tiên ngày Tết Hàn Thực.
>>> Cách làm bánh trôi tàu thơm ngon đậm đà
Ngày Tết Hàn Thực nhiều gia đình tấp nập chuẩn bị mua bánh trôi, bánh chay về thắp hương, cúng gia tiên. Dường như các của hàng bán bánh trôi, bánh chay trên khắp tuyến phố, các chợ của thủ đô Hà Nội khách đông kín ra vào mua bánh từ sáng sớm.
Theo khảo sát tại các chợ thì giá bán bánh trôi đựng trong đĩa nhựa nhỏ hoặc đĩa giấy bìa nhỏ giá từ 12.000 đồng/bát, bánh trôi to có nơi còn lên giá 40.000 đồng/đĩa. Đối với bánh chay được rắc vừng thơm từ 15.000 đồng/bát.
Cũng tại các chợ như Dịch Vọng, Mỹ Đình, Hàng Da, chợ Hôm, chợ Hàng Bè… rất nhiều của hàng bày bán bột đường, nhân đậu xanh. Nguyên liệu làm bánh trôi đơn giản và dễ mua, chỉ có mấy thứ gồm bột nếp, dừa tươi thái sợi, đường đỏ, đỗ xanh, vừng.
Đối với bột thì dao động từ 25 - 30.000 đồng/kg. Đường phên có giá từ 5.000 đồng - 15.000 đồng/túi. Ngoài ra, vừng và dừa tươi cũng được người bán chế biến sẵn, bán với giá từ 5000 đồng/gói nhỏ.
Cứ tới tháng 3 âm lịch là thời điểm người Việt chuẩn bị cho ngày Tết Hàn Thực cùng các thành viên trong gia đình mang lại ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Được biết từ xa xưa ngày Tết Hàn Thực được hiểu theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời. Do giao lưu văn hoá lâu đời với Trung Hoa nên người Việt ảnh hưởng tết Hàn Thực. Nhưng ở Việt Nam Tết Hàn Thực không phải để tưởng nhớ đến Tử Thôi mà mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Tết Hàn Thực mang màu sắc dân tộc riêng và được lưu giữ mãi trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngày này, các gia đình làm bánh trôi bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Với người Việt trong dịp này nhiều nơi làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng.
Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.
Ở một số vùng, người ta làm thêm món bánh nhót, cách làm tương tự bánh chay nhưng chỉ khác hình dáng được người dân nơi đây nặn giống như trái nhót lạ mắt.
Thanh Lương (tổng hợp)