Theo Zingnews, gia đình anh H., chị T ở Ba Đình (Hà Nội) vừa bàng hoàng nhận kết quả cô con gái mới đang học lớp 1 nhưng đã dậy thì sớm.
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, gia đình nhận thấy cơ thể bé N.H.M có nhiều điểm khác biệt. Hai bên ngực bé to bất thường, chiều cao tăng tới 8 cm chỉ trong vòng 6 tháng.
Đưa bé đến một chuyên khoa Nhi tại Hà Nội để xét nghiệm, bé được chẩn đoán dậy thì sớm. Các bác sĩ đã tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ các bé dậy thì sớm gia tăng hơn rất nhiều. Theo VnExpress, hồi tháng 6/2020, một bé gái 7 tuổi được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do tuyến vú phát triển, mọc lông mu, có kinh nguyệt. Bác sĩ chẩn đoán bé dậy thì sớm, cần theo dõi, điều trị theo phác đồ.
Theo bác sĩ Bùi Phương Thảo, khoa Nội tiết - Chuyển hóa Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tuổi dậy thì được tính ở giai đoạn 8-13 tuổi với trẻ gái và 9-14 tuổi với trẻ trai. Tuy nhiên càng ngày càng có nhiều trẻ dậy thì sớm. Số liệu năm 2019 tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy tại đây đã điều trị hơn 300 cháu dậy thì sớm chỉ trong năm ngoái.
Dậy thì sớm ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển cả về tâm sinh lý của trẻ. Với trẻ gái, do rối loạn nội tiết sớm, gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau.
Dậy thì sớm ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Trung bình trẻ dậy thì sớm có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các bạn khác, ở nữ là thấp hơn 12 cm và ở nam khoảng 20 cm. Nếu được điều trị, trẻ sẽ cải thiện chiều cao
Dậy thì sớm ở bé gái có nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình…, và các bệnh lý khác của cơ thể. Trong đó, nguy hiểm nếu nguyên nhân từ u não, u ác tính tuyến sinh dục.