Theo luật sư, với số tiền tham ô lên tới 16 triệu USD, Giang Kim Đạt sẽ phải đối mặt với mức án quy định tại khoản 4, Điều 278 BLHS với hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
[mecloud]lkwUPv3cWe[/mecloud]
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Cty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Công ty Vinashin Lines).
Theo đó, các bị can Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc, Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh và Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Công ty Vinashin Lines bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản. Riêng bị can Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt) bị đề nghị truy tố về tội "Rửa tiền".
Bộ Công an xác định Giang Kim Đạt được các công ty nước ngoài gửi cho gần 16 triệu USD, thông qua tài khoản do bố đứng tên.
Sau nhiều năm lẩn trốn tại nước ngoài, tháng 7/2015, Giang Kim Đạt bị bắt. Theo cáo buộc, số tiền Đạt chiếm đoạt đã dùng mua khoảng 40 căn hộ cao cấp, biệt thự trên khắp cả nước, đứng tên bố.
Giang Kim Đạt |
Với số tiền tham ô lớn như vậy, dư luận đang hết sức quan tâm liệu Giang Kim Đạt sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào?
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin trên báo chí, từ các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được thì hành vi của Giang Kim Đạt có dấu hiệu của tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 BLHS. Vì vậy, việc đề nghị truy tố Giang Kim Đạt về tội Tham ô tài sản là có căn cứ pháp luật.
Theo quy định tại Điều 278 BLHS thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 4, Điều 278 BLHS với mức hình phạt là hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Cường phân tích, theo kết luận của cơ quan điều tra thì từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, Vinashin Lines đã lập các dự án đầu tư mua tàu biển, sau đó khai thác kinh doanh bằng hình thức cho thuê. Tuy nhiên, các tàu mua về phần lớn đã cũ, chất lượng không đảm bảo, tiêu hao nhiên liệu lớn. Trong giao dịch, bị can Liêm, Đạt và các đồng phạm đã chiếm đoạt tiền chênh lệch trong việc mua 3 con tàu gồm: Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix. Nhóm này còn bị cáo buộc chiếm đoạt tiền chênh lệch gửi giá cước trong việc khai thác, kinh doanh, cho thuê 9 con tàu tại Vinashin Lines. Bộ Công an xác định Giang Kim Đạt được các công ty nước ngoài gửi cho gần 16 triệu USD, thông qua tài khoản do bố đứng tên. Vì vậy, Giang Kim Đạt sẽ phải đối mặt với mức án quy định tại khoản 4, Điều 278 BLHS với hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Theo nội dung kết luận điều tra thì Giang Kim Đạt cùng các đồng phạm tham ô và chiếm đoạt tài sản lớn, với số tiền lên đến 16 triệu USD gây hậu quả nghiêm trọng và thuộc những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nên sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất của tội danh này là tử hình”- luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, tuy nhiên, trong các vụ án có đồng phạm thì cũng cần cá biệt hóa vai trò của từng đồng phạm, sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc cho người cầm đầu, tổ chức, thực hành tích cực... và khoan hồng cho người với vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, tích cực khắc phục hậu quả... Việc quyết định hình phạt cụ thể cho từng bị cáo, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
"Trong vụ án này nếu Giang Kim Đạt thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả được phần lớn số tài sản đã tham ô và có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác quy định định tại Điều 46 BLHS thì Giang Kim Đạt mới có cơ hội thoát án tử hình" - luật sư Cường cho biết.
Điểm đáng chú ý trong vụ án này là các bị can khởi tố điều tra về tội danh theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi và bổ sung năm 2009, chỉ ít ngày nữa (ngày 1/7/2016) BLHS năm 2005 có hiệu lực pháp luật, vậy các bị can sẽ bị áp dụng theo quy định của BLHS nào trong quá trình truy tố và xét xử tiếp theo?
Đề cập đến vấn đề này, luật sư Cường dẫn khoản 3, Điều 40, BLHS năm 2015, có hiệu lực từ 01/7/2016 quy định “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” sẽ được áp dụng đối với trường hợp của Giang Kim Đạt bởi chỉ vài hôm nữa thì BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật, trong khi đó vụ án này mới kết thúc điều tra, phải mất một vài tháng nữa thì vụ án này mới được xét xử, khi đó BLHS năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, quy định nêu trên là quy định chung và được áp dụng cho giai đoạn thi hành án hình sự "bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản...". Đó là cơ hội "thoát" thi hành án tử hình sau khi bị cáo đã bị kết án tử hình bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, trong khi chờ thi hành án mà bị cáo ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục 3/4 số tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có cơ hội được miễn án tử hình, chuyển sang hình phạt khác là tù chung thân...
Luật sư Cường phân tích: “Trong vụ án này mới đang ở giai đoạn xét xử, chưa có bản án có hiệu lực pháp luật kết tội Giang Kim Đạt, tòa án cũng chưa tuyên mức án tử hình nên Điều 40 BLHS năm 2015 chưa được đặt ra. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà bị cáo Giang Kim Đạt thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả với phần lớn tài sản đã tham ô và thêm các tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại Điều 46 BLHS thì bị cáo Đạt cũng vẫn có cơ hội thoát án tử hình. Vì vậy, hình phạt cụ thể thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào thái độ thành khẩn của bị cáo, việc khắc phục hậu quả và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác”.
“Cũng cần nói thêm là Chính sách hình sự của nước ta là ngày càng khoan hồng, nhân đạo, giảm bớt hình phạt tử hình, khoan dung với những người lầm lỡ, biết hối cải... tuy nhiên với các tội phạm về tham nhũng thì vẫn phải kiên quyết đấu tranh và có hình phạt nghiêm khắc thì mới đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo lợi ích quốc gia và mang lại niềm tin cho nhân dân” – luật sư Đặng Văn Cường nói.
“Điều 278. Tội tham ô tài sản 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”. |
Xem thêm video:
[mecloud]ELNfEGZQJW[/mecloud]
Tiểu Phương