Mặc dù tuổi đã ngót nghét 70, "nhiếp ảnh gia" trụy lạc Lê Đình Trường vẫn gạ gẫm được nhiều cô gái còn trong độ tuổi vị thành niên đồng ý cởi đồ để gã chụp ảnh.
Nhiếp ảnh là môn nghệ thuật đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng, sự đam mê, hy sinh. Giờ, địa hạt "nhiếp ảnh" dường như đã bị thị trường hóa dần. Các nhóm, hội nhiếp ảnh tự phát có, tổ chức có, đua nhau ra đời.
Chưa khi nào người ta thấy lực lượng “nhiếp ảnh gia” nhan nhản đến như vậy: nhiếp ảnh gia sinh viên, những anh công chức tập tọe chụp hay chàng công tử đua đòi mua máy cho bằng bạn bằng bè cũng trở thành “nhiếp ảnh gia” vậy.
Xung quanh sự hào nhoáng của danh xưng này là hàng trăm câu chuyện bi hài mà cay đắng!
Nhiếp ảnh gia "đội lốt" và 1.001 chiêu lừa…
Hẳn cư dân xung quanh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn chưa quên vụ việc đình đám khoảng chục năm trước đây. Đó là ông trùm chơi ảnh Ly Sơn (tên thật là Lê Đình Trường) lợi dụng mác "nhiếp ảnh gia" chuyên chụp ảnh khỏa thân để dụ dỗ các cô gái trẻ.
Với ngoại hình tay chơi, mặc dù tuổi đã ngót nghét 70, "nhiếp ảnh gia" trụy lạc này vẫn gạ gẫm được nhiều cô gái còn trong độ tuổi vị thành niên đồng ý cởi đồ để gã chụp từng ngóc ngách cơ thể. Và cuối cùng là sà vào móng vuốt của gã.
Có những thiếu nữ chưa kịp trưởng thành đã bị gã biến thành đàn bà. Thời điểm đó, chụp ảnh nude chưa trở thành "mốt" như bây giờ. Hành vi của Ly Sơn bị giới chơi ảnh chân chính coi như một hành động "phỉ báng, bôi nhọ" nghệ thuật nhiếp ảnh.
Hiện nay xuất hiện rất nhiều "Ly Sơn". Ngày càng nhiều kẻ lợi dụng cái mác "nhiếp ảnh gia" để lừa đảo, phục vụ cho những mục đích cá nhân. Nhiều đến nỗi thật khó phân biệt đâu là vàng, đâu là thau!
Đánh vào tâm lý thích được chụp ảnh, thích trở thành người nổi tiếng của nhiều thiếu nữ. Th. - một "nhiếp ảnh gia" nổi như cồn trong giới nhiếp ảnh chẳng phải vì năng khiếu chụp ảnh xuất thần gì. Hắn nổi tiếng vì khả năng "chăn gái", thay bồ như thay áo, mà cô bồ nào cũng chân dài, dáng chuẩn, mặt xinh… lại còn trong độ tuổi teen.
Th. đã có vợ và hai con, ngoại hình không có gì hấp dẫn, ngoài bộ râu rậm có vẻ nam tính. Bù lại hắn rất khéo miệng và nhiều chiêu trò. Th. rất tự hào, hắn vẫn thường khoe bí kíp "chăn rau" (cách gọi tắt của săn gái teen) với bạn bè thân: "Thời buổi này chỉ cần có xe tay ga, có ví tiền dày, điện thoại iPhone, ngoại hình bóng bẩy là dễ dàng khiến các em đổ như… chuối. Nhưng nếu không có điều kiện để trang bị những thứ đó, thì hãy cố gắng sắm một chiếc máy ảnh thật "khủng" và chỉ cần dẻo miệng. Gặp em nào xinh xinh, "hot hot", một tí thì chỉ cần ca tụng, bốc em ấy lên tận mây xanh. Rồi gạ gẫm chụp ảnh sexy, ảnh nude".
Theo Th., các em "teen" bây giờ có tâm lý, đẹp là muốn khoe, muốn phô ra trên Facebook để thiên hạ đổ xô vào "like". Khoảng cách từ "cởi đồ" đến "lên giường" quá ngắn ngủi, chỉ cần biết cách khiêu khích, động chạm là các em sẵn sàng. "Chịu khó dãi nắng dầm mưa tặng các em một bộ ảnh lung linh chút, quà tặng thu được thì vô cùng hấp dẫn và hứa hẹn", Th. kết thúc câu chuyện bằng điệu cười khả ố.
Thế nên, thật dễ hiểu khi càng ngày càng có nhiều anh chàng bỗng dưng đổ xô đi mua các loại máy ảnh xịn, giá cũng ngót nghét vài chục triệu trong khi chưa hề có kiến thức chụp ảnh, cũng chẳng xuất phát từ đam mê gì. Mà khi mua máy ảnh về, anh nào cũng chăm chăm muốn thực hành trên cơ thể các… nữ người mẫu. Có lẽ, chính mục đích dung tục của một bộ phận nhiếp ảnh gia mà nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng trở nên méo mó trong mắt người ngoại giới.
Phạm Hồng Sơn - kẻ chuyên núp bóng "nhiếp ảnh gia" để đi lừa đảo tài sản các cô gái trẻ nhẹ dạ.
Ngoài "nhiếp ảnh gia" chuyên lừa đảo các thiếu nữ tuổi teen, trên diễn đàn nhiếp ảnh còn xuất hiện thêm các vụ lùm xùm liên quan đến lừa đảo tài sản lên tới hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt gần đây nhất, và gây xôn xao dư luận nhất là vụ nhiếp ảnh gia "rởm" Phạm Hồng Sơn (34 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh) bị Đội 5 - Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Thủ đoạn của kẻ lừa đảo núp bóng nhiếp ảnh gia này là hàng ngày ăn mặc bảnh bao, cưỡi SH lòng vòng trên phố. Hễ thấy cô gái nào đi xe tay ga đắt tiền, mặt mũi xinh xắn là Sơn lân la làm quen, khoe mình là nhiếp ảnh gia có ảnh viện lớn, chuyên chụp cho người mẫu nổi tiếng. Sau đó, Sơn xin số điện thoại mời cộng tác làm mẫu ảnh, và lăng xê cho các cô gái này trở thành các "Hot girl" nổi tiếng.
Chỉ vì cả tin vào cái mác nhiếp ảnh gia với ngoại hình bóng bẩy, cộng với tâm lý thích được nổi tiếng, nhiều cô gái trẻ vội vã tự nguyện biến mình thành con mồi của Sơn. Sơn thường lấy cớ mượn xe, mượn điện thoại của các "mẫu" nữ, rồi sau đó chuồn luôn. Đến khi nạn nhân phát hiện ra, thì "nhiếp ảnh gia rởm" này đã lặn không sủi tăm. Với cách thức như trên, Sơn đã gây ra 8 vụ lừa đảo xe máy và điện thoại đắt tiền của các thiếu nữ nhẹ dạ.
Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các cô gái trẻ ham nổi tiếngå, ưa hình thức. Rất nhiều cô gái vẫn tin vào mô-tip chuyện cổ tích "lọ lem": bỗng dưng một ngày đẹp trời, một anh chàng đạo diễn XYZ hào hoa nào đó sẽ nhận ra nét đẹp tiềm ẩn của mình và sẽ khai thác, lăng xê mình thành một "ngôi sao".
Giống như tự truyện của nhiều cô diễn viên, người mẫu nổi tiếng gieo rắc vào lòng fans hâm mộ. Giấc mơ "ngôi sao" đâu chẳng thấy, chỉ thấy ngày càng xanh xao vì lo chạy đôn chạy đáo tìm lại tài sản bị mất!
"Nhiếp ảnh gia" bị mắc bẫy
Không chỉ xuất hiện một bộ phận "nhiếp ảnh gia rởm", gần đây, qua phản ánh của một số thành viên của các diễn đàn chụp ảnh. Còn xuất hiện thêm cả bộ phận "mẫu rởm". Nghe thì có vẻ hài hước và nực cười. Nhưng, sau khi tìm hiểu thực tế, thì tôi mới phát hiện ra đây chính là một thủ đoạn lừa đảo mới và tinh vi vô cùng.
Anh B. (nick name Dragon…) là nhiếp ảnh gia có tiếng trong giới về tài năng "bồi da đắp thịt" cho các mẫu nữ của mình. Ảnh chụp phụ nữ gợi cảm của anh thường được đánh giá rất cao, sexy nhưng không dung tục. Người mẫu qua ống kính anh đều trở nên lung linh hơn so với thực tế rất nhiều. Thế nên không lạ khi mỗi ngày, Facebook của B. có tới hàng trăm lời mời kết bạn của các "chân dài" xinh đẹp và cũng tương đương số tin nhắn tới hộp thư đặt lịch chụp hình.
Để phục vụ cho công việc của mình sao cho đạt hiệu quả tốt nhất, B. không ngại đầu tư những thiết bị chụp hình hiện đại, những bộ ống kính máy ảnh trị giá hàng trăm triệu đồng. Một hôm, gặp B. thấy anh gầy đi nhiều, khuôn mặt trũng sâu khắc khổ, trên cổ không còn lủng lẳng chiếc máy ảnh quen thuộc nữa. Gặng hỏi B, anh lắc đầu: "Trần đời, dính quả lừa này là đau nhất. Bị lừa mà vẫn không nghĩ là nó dám lừa mình trắng trợn đến thế!".
Rồi B. dốc bầu tâm sự, số là một hôm B. nhận được một cuộc điện thoại đặt hàng của một em mẫu chụp kiểu "indoor" (kiểu chụp sexy, hở hang hoặc chụp khỏa thân ở phòng kín). Địa điểm chụp là khách sạn Inter Continental tại Hồ Tây. Đây là một khách sạn 5 sao khá sang trọng, B. tưởng rằng mình đã vớ được một em khách sộp chịu chi nên vội gác lịch để ưu tiên ngay.
Đến ngày hẹn chụp, B. tha lôi những thiết bị đắt tiền, tốt nhất của mình đi chụp. Lúc hẹn gặp, nhìn cô người mẫu cũng có vẻ hiền lành, nhỏ nhẹ và rất thoải mái về khoản giá cả. Sau khi đặt một phòng hạng sang, cô gái ngỏ ý rủ B. xuống sảnh khách sạn để uống cà phê, ăn sáng. Không mảy may nghi ngờ, B. đặt đồ nghề tại phòng rồi đi theo "người mẫu".
Nào ngờ, trong lúc đó, đồng bọn của cô người mẫu này đã chờ sẵn và quơ hết toàn bộ đồ nghề "kiếm cơm" của nhiếp ảnh gia, trị giá gần trăm triệu đồng. Cô người mẫu đang uống cà phê với B., sau khi lấy cớ nghe cuộc điện thoại gọi đến, chạy ra chỗ khuất rồi lẩn mất.
Sau đó, B. có kể lại câu chuyện mình bị lừa trên một số diễn đàn nhằm cảnh báo và tới Cơ quan Công an để trình báo. Có điều, với một nhiếp ảnh gia, thì mất đồ nghề chẳng khác nào mất đi cánh tay phải. B. gặp ai cũng than thở, anh kêu: "Chắc từ nay phải thuê bảo vệ theo trông đồ mỗi khi đi chụp ảnh quá!".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ có B mà có rất nhiều nhiếp ảnh gia bị “người mẫu” cho ăn "quả lừa to tướng" như thế này. Trong đó, có Linh (nick name Ball…), chuyện của Linh cũng bi đát chẳng kém gì B.
Nhận được một đơn hàng đặt chụp ảnh cưới tận Mộc Châu. Linh và hai cộng sự nữa khệ nệ tay xách nách mang đồ nghề cùng "cặp vợ chồng" bắt xe chạy đêm từ Hà Nội lên Mộc Châu cho tiết kiệm chi phí, thay vì thuê xe. Ê kip chụp ảnh cưới đòi hỏi máy móc chụp phải thật tốt, khác với chụp ảnh thời trang. Đi xe đêm không quen, ba thầy trò nhiếp ảnh gia lăn ra ngủ, đồ nghề máy móc để cả ở ngăn để đồ trên xe.
Lúc xe dừng lại nghỉ giữa chặng, trong khi ba thầy trò vẫn say sưa giấc nồng thì "cặp vợ chồng sắp cưới" vô cùng chuyên nghiệp "nẫng" hết mấy con máy ảnh "khủng", các loại chân máy, ống kính xịn, lặng lẽ xuống xe.
Cho đến tận sáng hôm sau, khi xe đến điểm dừng, Linh và hai người bạn tỉnh giấc, ngoảnh đi ngoảnh lại không thấy "khách hàng" đâu, sờ đến đồ đạc thì không còn gì cả. Cay đắng, hoảng hốt nhận ra mình bị lừa! Hai nhiếp ảnh gia và một chuyên gia trang điểm cực chẳng đã lại lủi thủi bắt xe trở về, tiền mất, tật mang…
Từng được ca tụng là một một môn nghệ thuật tao nhã, giới chơi ảnh - cụ thể là các nhiếp ảnh gia từng rất được trọng vọng. Vậy mà liên tiếp nhiều vụ lùm xùm, trong đó nhiếp ảnh lúc thì làm nạn nhân, lúc lại bị tố lừa đảo, đã khiến nhiều người phải băn khoăn về sự an toàn trong bộ môn nghệ thuật này.
Mặc dầu vậy, đâu đó trong giới chơi ảnh, còn nhiều nhiếp ảnh gia chân chính vẫn đứng ngoài cơn lốc "thị trường" ấy. Họ ngày đêm chắt chiu, lặng lẽ cống hiến cho đam mê của mình.
Chúng tôi vẫn luôn tin "điều gì xuất phát từ trái tim, điều ấy bền". Những kẻ tìm đến ảnh như một công cụ nhằm phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình, sớm muộn gì cũng phải trả giá.
Theo An ninh Thế giới