Chỉ trong thời gian ngắn, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng liên tiếp ra "tối hậu thư" đối với những cán bộ bê trễ việc công gây nhiều bức xúc trong nhân dân thời gian qua.
Anh xin 2 tháng, tôi cho 2 tháng nhé!
Sáng ngày 21/5, tại buổi làm việc với huyện Củ Chi liên quan đến vấn đề quy hoạch ở địa phương này, Bí thư Đinh La Thăng truy vấn ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiên trúc thành phố: "Anh cho tôi biết tại sao vấn đề khu đô thị Tây Bắc tôi họp có ý kiến từ ngày 08/2 mà sao chưa thấy gì?"Trả lời câu hỏi của Bí thư, ông Nhã nói: "Tại thời điểm đầu năm phải kiện toàn một số việc nên chưa làm kịp".
Ông Thăng hỏi tiếp: "Anh về làm Giám đốc Sở từ tháng mấy?". Giám đốc Sở trả lời: "Dạ làm từ tháng 01/2016".
Bí thư Thăng: "Đấy, anh thấy chưa, anh làm từ tháng 01/2016 nghĩa là còn trước cả ngày tôi có ý kiến chỉ đạo vào 08/2... Tuần trước mới thành lập đoàn làm việc à? Bí thư đã có kết luận mà còn kéo dài, vậy không biết dân kêu thì biết đến bao giờ..."Ông Nguyễn Thanh Nhã trả lời Bí thư: "Đến tháng 06 này sẽ rà soát lại toàn bộ Dự án và sẽ có báo cáo chính thức.
Trước phát biểu này của Giám đốc Sở Quy hoạch, Bí thư thành ủy ra "tối hậu thư: "Hôm nay là 21/5, vậy thì 21/7 anh phải xong toàn bộ quy hoạch. Anh xin 2 tháng, tôi cho 2 tháng nhé!”.
Cuối tháng 5 phải trình Hồ sơ công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng
Sau khi truy vấn Sở Quy hoạch – Kiến trúc vào chiều 21/5, ông Thăng yêu cầu Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp HCM Lê Minh Tấn (trước đây là Bí thư huyện ủy Củ Chi) báo cáo về việc chậm trễ công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng khiến cử tri bức xúc.
Theo Giám đốc Lê Minh Tấn, cả thành phố hiện còn gần 300 hồ sơ chưa được công nhận, không riêng gì trường hợp của Củ Chi. Ông Thăng ngắt lời: “Ông nói nhanh đi, bao giờ thẩm định xong các hồ sơ còn lại?”.
Báo Thanh niên đưa tin, ông Tấn trả lời Bí thư rằng đã trình Ban thi đua khen thưởng hơn một tháng trước. Bí thư Thành ủy ra yêu cầu đến cuối tháng 5, Ban thi đua khen thưởng phải trình cho UBND thành phố để trình trung ương và tổ chức trao vào 2/9.
“Huyện Củ Chi có một cụ còn sống, còn lại mất hết rồi. Lúc người ta sống chẳng ai thẩm định, lúc mất thì thẩm định tới lui" - Bí thư Thăng bức xúc.
Kiểm tra thấy vi phạm, anh phạt 1 tỷ đồng xem sao!
Cũng tại buổi làm việc hôm 21/5, liên quan tới vấn đề ô nhiễm môi trường trong xử lý rác gây nhiều bức xúc, Bí thư Thăng đặt câu hỏi với Giám đốc Sở nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng là đã phạt công ty vi phạm bao giờ chưa.
Trả lời Bí thư, ông Thắng cho biết đã phạt công ty vi phạm 3 lần. Số tiền phạt khoảng vài chục triệu/lần.
Bí thư hỏi: "Quy định phạt cao nhất bao nhiêu?"Ngay khi nhận câu trả lời từ Giám đốc Sở là "cao nhất khoảng 1 tỷ đồng", ông Thăng nêu luôn đề xuất: "Anh kiểm tra thấy vi phạm phạt 1 tỷ đồng xem sao, cho chừa vi phạm đi. Nhiều khi phạt nhẹ quá không nghiêm".
Tối đa 2 năm phải giải quyết dứt điểm bãi rác
Liên quan vụ bãi rác Đông Thạnh, tại buổi làm việc về các vấn đề cử tri đã phản ánh tại đơn vị bầu cử số 9 diễn ra vào chiều 19/5, Bí thư Thăng hỏi lãnh đạo Công ty Môi trường thành phố: "Bãi rác đã đóng cửa rồi mà sao dân lại phản ánh vẫn tiếp tục chôn lấp rác thải?"
Trước truy vấn của Bí thư thành ủy, lãnh đạo công ty môi trường trả lời, phần rác chôn lấp thực ra là lưu giữ những chất đã qua xử lý làm sạch. Khói thải do đốt rác thải y tế trong bãi rác đã được đo đầy đủ và trong mức cho phép.
Báo Người lao động đưa tin, sau câu trả lời này, Bí thư Thăng nhận xét: "Tôi đến thị sát thấy đốt rác thủ công, công nghệ lạc hậu, khói thải khó chịu không ngửi được, máu me bê bết trên sàn mà mấy ông gọi trong mức cho phép là thế nào? Tôi không tin số liệu các anh đo".
Tiếp đó, Bí thư quay sang chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: "Bãi rác tự bản thân nó không đủ điều kiện để tồn tại mà các anh cứ trả lời vòng vo đâu đâu, hỏi một đằng trả lời một nẻo". Và khi vị Giám đốc này không trả lời được cụ thể đến bao giờ có thể dứt điểm được bãi rác Đông Thạnh, Bí thư thăng ra luôn "tối hậu thư": "Tôi đã hứa với cử tri, tôi sẽ giữ lời hứa. Tôi giao cho ông trong vòng không quá 2 năm phải giải quyết dứt điểm bãi rác này!".
Cuối năm, 100% người dân thành phố phải có nước sạch dùng!
Chiều 19/5, tại buổi làm việc với huyện Hóc Môn để giải quyết các vướng mắc của cử tri sau những buổi tiếp xúc mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng yêu cầu Tổng giám đốc Sawaco Hồ Văn Lâm trả lời việc một số người dân không đủ điều kiện về giấy tờ tạm trú hoặc ở thuê tại nhà trọ đều phải dùng nước với giá cao hơn mức chung.
Theo nội dung ông Lâm trình bày với Bí thư thành ủy thì nếu người dân tạm cư có xác nhận tạm trú thì sẽ được tính như dân có hộ khẩu. Một cán bộ huyện Hóc Môn sau đó cũng giải thích định mức nước chỉ được áp dụng tại nơi có hộ khẩu thường trú. Nếu đã có định mức nơi này thì khi có nhà ở nơi khác trong thành phố sẽ được áp giá nước cao hơn định mức.
Tiếp nhận những thông tin báo cáo trên, Bí thư Thăng hỏi ngay: "Tại sao lại phải xác nhận việc này? Lại xin cho. Các anh không thể đối xử với người dân như vậy. Cùng là dân sống ở TP HCM tại sao có người dùng nước giá thấp, người dùng nước giá cao? Ngay từ hôm nay tất cả nước cấp cho dân giá như nhau. Còn việc bù lỗ, thiếu hụt thế nào thì báo cáo lãnh đạo thành phố giải quyết", ông Thăng yêu cầu.
Yêu cầu giải trình về việc người dân xã Đông Thạnh (Hóc Môn) phàn nàn về nước máy nhiều lúc bị đục, không sử dụng được, Tổng giám đốc Sawaco hứa khắc phục và cam kết đến cuối năm nay toàn bộ người dân Hóc Môn sẽ có nước sạch dùng.
"Như vậy, cuối năm nay, 100% người dân thành phố phải có nước sạch dùng, và chỉ mua với một giá như nhau. Nếu có khó khăn, có vướng mắc phải báo cáo. Còn nếu dân chưa có nước sạch dùng thì tổng giám đốc kiếm việc khác mà làm", ông Đinh La Thăng ra "tối hậu thư".
Một tháng nữa mà không giải quyết được, cắt chức ngay Giám đốc TN-MT
Chiều 11/5, tại buổi tiếp xúc cử tri và các ứng viên Đại biểu Quốc hội huyện Hóc Môn, bà con đã phản ánh với Bí thư thành ủy về tình hình ô nhiễm tại bãi rác Đông Thạnh, kênh Cầu Dừa kéo dào nhiều năm nay, dân kiến nghị chính quyền nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Sau khi nghe phản ánh, đầu tiên, Bí thư thành ủy xin lỗi người dân vì phải chịu tình trạng ô nhiễm kéo dài. Và sau đó, Bí thư bắt đầu truy vấn Chủ tịch huyện Hóc Môn: “Có chuyện đó không? Các anh xử lý đến đâu rồi? Chủ tịch, Bí thư huyện đến bãi rác ngồi một đêm xem chịu được không?"
Trước "truy vấn" của Bí thư Thăng, Chủ tịch huyện Hóc Môn thừa nhận có tình trạng ô nhiễm như phản ánh. Tuy nhiên, huyện cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, và hiện tại vẫn tiếp tục kiến nghị.
Quan sát dòng kênh, Bí thư Đinh La Thăng nói với lãnh đạo huyện và thị trấn Hóc Môn là không đổ hết cho dân được vì xung quanh bờ kênh nhà cửa đông đúc nhưng không có thùng rác thì dân vứt rác vào đâu. "Một con kênh hôi thối thế này, tồn tại giữa trung tâm huyện năm này qua năm khác mà các anh ngồi yên được. Một tháng nữa mà không giải quyết được, phải cắt chức ngay giám đốc công ty môi trường" - ông Thăng ra hạn định.
Vũ Đậu