Trong khoảng vài tuần trở lại đây, người dân tại Việt Nam đang vô cùng hoang mang với một căn bệnh có tên Whitmore. Trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện những hình ảnh ghê rợn về căn bệnh này và nhiều người còn gọi Whitmore với cái tên "virus ăn thịt người".
Trên thực tế, Whitmore là căn bệnh đã được phát hiện gần 100 năm về trước. Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với VnExpress cho biết Whitmore là một bệnh truyền nhiễm được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở Việt Nam 94 năm trước.
Trong thời chiến, hàng nghìn binh lính Pháp và Mỹ đã bị phơi nhiễm và nhiễm bệnh. Những năm 70 của thế kỷ trước, Whitmore còn có tên gọi là "Vietnamese time-bomb; tức quả bom hẹn giờ của Việt Nam" nhằm ám chỉ một loại bệnh bị phơi nhiễm tại Việt Nam, ủ bệnh trong thời gian dài, và mãi sau đó mới phát bệnh trên cựu chiến binh Mỹ trở về.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
Con đường lây nhiễm chính của Whitmore là tiếp xúc với các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.
Có nhiều thông tin cho rằng Whitmore có thể lây nhiễm từ người sang người. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ thông tin này trên Vietnamnet. Ông chia sẻ bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Chủ yếu, vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước sinh hoạt do tai nạn.
Ttại Việt Nam khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa. Đa số bệnh nhân là nông dân, tuổi từ 50 – 70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi khi nhập viện.
Biểu hiện bệnh Whitmore:
Theo VnExpress, người mắc bệnh Whitmore thường có các biểu hiện sau:
- Nhiễm trùng phổi: Các dấu hiệu và triệu chứng của melioidosis phổ biến nhất, xuất phát từ bệnh phổi nơi nhiễm trùng có thể hình thành một khoang mủ (áp xe). Tác động của nhiễm trùng phổi có thể từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng. Do đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung.
- Nhiễm trùng cục bộ: Khi nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.
- Nhiễm trùng máu: Nếu melioidosis xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.
- Nhiễm trùng lan tỏa: Bệnh melioidosis có thể lây lan từ da qua máu để trở thành một dạng melioidosis mạn tính ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt.
Đây là loại bệnh vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều và theo dõi sát sao, người bệnh rất dễ bị tái phát và có thể dẫn đến tử vong.
Cách phòng tránh bệnh Whitmore:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Hạn chế tiếp xúc khi bị trầy xước da. Vết thương cần được rửa sạch và sát trùng.
- Cần thăm khám các cơ sở y tế khi có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường…
- Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
- Hạn chế tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là để vùng da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với bùn đất.