Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, quy định gọi lớp trưởng là chủ tịch hội đồng tự quản là muốn các em tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kĩ năng sống cho các em.
Dự thảo sửa đổi Điều lệ trường tiểu học, trong đó có quy định gọi lớp trưởng là chủ tịch hội đồng tự quản đang thu hút sự quan tâm của dư luận mấy ngày qua với nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi trên Dân trí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Điều lệ đề cập đến việc thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản là xuất phát từ thực tiễn triển khai mô hình trường học mới nằm trong khuôn khổ dự án Trường tiểu học mới (VNEN).
Thứ trưởng Hiển giải thích, lớp trưởng trước đây nhiều khi đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc việc học hành của các thành viên trong lớp, theo dõi các bạn đi học muộn, không học bài. Giờ lớp trưởng không làm thay việc này nữa, mà chính các thành viên trong lớp bảo ban, bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.
Hội đồng tự quả sẽ tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kĩ năng sống cho các em? |
Điều này nhằm mục đích chính không phải là để nhẹ việc cho giáo viên, cho nhà trường mà tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kĩ năng sống cho các em.
Trên VTC News, TS Vũ Thu Hương, khoa Sư phạm Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ nhiều thông tin xung quanh tranh cãi về chức danh "Chủ tịch, Phó chủ tịch" trong dự thảo điều lệ trường tiểu học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến.
Theo TS Hương, chức danh có tên gọi là gì cũng không quá quan trọng. Ganh đua, tự mãn, tự kiêu sẽ xảy ra nếu như trong trường tiểu học có các chức vụ dù đó là chức vụ gì. Để đạt đến việc tránh mọi phản ứng tiêu cực đó, chúng ta chỉ có cách là dẹp hoàn toàn mọi chức vụ đi mà thôi.
Trước đó, thông tin về dự thảo này đã gây “choáng” với nhiều người vì cho rằng không thiết thực, “thừa giấy vẽ voi”. Trên trang cá nhân của mình, một Facebooker có nickname Hải Đường cho rằng tên gọi lớp trưởng là chuẩn xác nhất, lại dễ hiểu, trong sáng, thân thuộc.
“Tôi đang nghĩ tới cảnh em A chào em B là “xin chào chủ tịch B” thấy buồn cười quá. Các em còn bé, dùng từ nào cho đơn giản, nhẹ nhàng, đao to búa lớn làm gì. Bộ nên để thời gian nghiên cứu những việc sát thực tế và có ích hơn”, người này bày tỏ.
Một cư dân mạng có tên Hồ Quốc Chương viết trang cá nhân, cho rằng quy định này là “quan trọng hóa vấn đề, dễ khiến các em ảo tưởng về quyền lực”. Người này cho biết có cháu nội học tại một trường quốc tế, mỗi tháng bầu lớp trưởng 1 lần, học sinh tự nhận xét lẫn nhau và tự bầu người mình chọn, có thể tự ứng cử nếu tự tin. “Qua đó các cháu cũng có dịp nhìn lại mình để tiến bộ hơn, rất vui vẻ và tự giác. Giáo viên và phụ huynh không can thiệp sâu, chỉ theo dõi, định hướng thôi. Mọi việc rất nhẹ nhàng thoải mái như một trò chơi có tính giáo dục”.
Lê Vy (Tổng hợp)