Tin mới

Học sinh lớp 3 "đánh bại" Hiệu trưởng, giành ghế Chủ tịch Hội đồng tự quản

Thứ hai, 25/05/2015, 10:40 (GMT+7)

Hiệu trưởng chấp nhận "thất bại" trong cuộc tranh cử vì bài tranh cử bị học sinh chê, một số còn phê bình hiệu trưởng nói thì hay nhưng... dài quá và có nhiều từ khó hiểu.

Hiệu trưởng chấp nhận "thất bại" trong cuộc tranh cử vì bài tranh cử bị học sinh chê, một số còn phê bình hiệu trưởng nói thì hay nhưng... dài quá và có nhiều từ khó hiểu.

Đó là câu chuyện xảy ra cách đây 3 năm tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai). Vị hiệu trưởng bị "đánh bại" bởi học sinh lớp 3 trong cuộc đua giành chức chủ tịch Hội đồng tự quản trường là cô Trần Thị Thuỳ Dung.

Nói về câu chuyện tranh cử này, cô Dung vui vẻ cho biết, sau cuộc "bầu bán", người “to” nhất không phải là hiệu trưởng, mà là học sinh Châu Giang, chủ tịch Hội đồng tự quản trường.

Giáo viên trong trường cũng đồng tình với kết quả khi lần đầu tiên có hiệu trưởng “thua” HS. Và thực tế là học sinh đang làm chủ tịch HĐTQ trường trong suốt 3 năm qua, đến giờ trong cuộc họp vẫn rất thích nói “Tôi là sếp của bạn Dung”.

Theo thông tin cô Dung chia sẻ, HĐTQ trường gồm cả giáo viên, phụ huynh, học sinh và hiệu trưởng, họp giao ban hàng tháng. Một năng lực của các cá nhân làm “lãnh đạo” được nhà trường quan tâm là “năng lực đề xuất”.

Châu Giang (bên phải) - người đánh bại Hiệu trưởng để giành vị trí Chủ tịch Hội đồng tự quản trường Tiểu học Lê Ngọc Hân

Học sinh thường xuyên đề xuất những hoạt động chung của lớp và của trường như: Tháng này tổ chức Lê Ngọc Hân Got Talent, tháng sau Liên hoan Tiếng hát cha mẹ học sinh…

Ban đầu, nhiều phu huynh có ý kiến rằng để HĐTQ thì HS tranh giành, “đấu” lẫn nhau để thể hiện quyền lực. Để không có tình trạng này, trường phải tập huấn kỹ cho HS.

Theo thông tin cô Hiệu trưởng chia sẻ trên Vietnamnet, ngay từ tuần đầu tiên của năm học, trường đã có diễn đàn về tự giác và tự quản. Sự tự giác cũng thể hiện ở nội quy, khi 100% học sinh được tham gia vào xây dựng nội quy của trường, của mỗi lớp. Ngay cả HS lớp 1 cũng tham gia, các em không biết chữ thì vẽ điều mà mình cảm nhận.

“Thầy cô trường khác đến trường chúng tôi rất buồn cười với các khẩu hiệu an toàn giao thông. Không kẻ vẽ hô hào là phải thế nọ thế kia, khẩu hiệu an toàn giao thông trường tôi 100% do học sinh tạo nên, viết trên giấy, chúng tôi ép nhựa dán ngoài cổng trường” - cô Dung vui vẻ cho biết.

Theo cô Dung, mỗi học sinh viết một khẩu hiệu mà mình và bố mẹ sẽ thực hiện tốt. Ví dụ như: “Bố mẹ ơi nhớ đội mũ bảo hiểm cho con sáng nay nhé”, “Nếu bố mẹ không đội mũ, con sẽ không đến trường”, “Bạn nào không đội mũ thì tớ sẽ phạt”, “Nếu thấy tàu đến đừng chạy”…..“Những khẩu hiệu này thể hiện trực giác của các em, đọc lên rất thật và cảm động vì gắn với đời sống...

Cô Dung cũng khẳng định: “Học sinh của tôi không chỉ tự tin mà còn đang làm chủ chính mình. Sự tự tin chỉ là hình thức, Tự chủ mới là điều quan trọng. Các em nói, làm hoặc viết theo chính suy nghĩ của mình. Chúng tôi rèn giũa điều này ngay trong từng tiết học, bài kiểm tra”.

Phong Vân (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news