Sau khi Bộ Y tế công bố hai ca mắc COVID-19 thứ 97 và 98 ở Việt Nam đều là giáo viên đang dạy ngoại ngữ có quốc tịch Anh tại một trường quốc tế ở TP HCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch, lên phương án xử trí các tình huống diễn biến của dịch bệnh.
Theo tin tức từ Lao Động, VTC News, kế hoạch được đưa ra ba tình huống, được triển khai tới tất cả các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước, thời gian áp dụng từ tháng 1 đến tháng 12/2020. Cụ thể là:
Tình huống 1, khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh trong trường học, ngành giáo dục sẽ phối hợp với sở y tế và cơ quan chức năng tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện nghi ngờ do virus corona. Xây dựng thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch trong trường học, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng.
Tình huống 2, khi xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập vào trường học, Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục, họp hàng tuần và đột xuất phối hợp tích cực với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc.
Phối hợp tích cực với ngành y tế xử lý triệt để các ổ dịch. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng bệnh, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng; phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Tình huống 3, dịch bệnh lây lan trong trường học: Với tình huống này, Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục, họp hàng ngày hoặc đột xuất để phối hợp tích cực với ngành y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học trên địa bàn.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với ngành y tế khoanh vùng ổ dịch và cho học sinh, sinh viên nghỉ học, hạn chế đi lại khi cần thiết, phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục có ổ dịch.
Đồng thời triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc; phối hợp với ngành y tế tổ chức thường trực, phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin, thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp có nguy cơ, thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng. Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện báo cáo hàng ngày, đột xuất tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án xử lý.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chiều 23/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ một phần khó khăn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, không chỉ dừng ở văn bản đề xuất mà cần có hành động cụ thể.
Bộ trưởng cũng gửi lời động viên, chia sẻ sâu sắc tới giáo viên, học sinh và phụ huynh trên cả nước và mong rằng, các nhà trường, học sinh, phụ huynh yên tâm, tiếp tục chủ động phối hợp với ngành Giáo dục để vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo việc dạy và học với phương châm, học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn.