Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến các Chính sách khác, bản thân quyển sổ hộ khẩu không thể giới hạn số lượng người nhập học.
Liên quan đến thông tin, các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và một số loại giấy tờ khác sẽ bị bãi bỏ, thay thế vào đó chúng sẽ được cập nhật vào dữ liệu dân cư quốc gia, công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân để Nhà nước quản lý. Nhiều người dân chưa có hộ khẩu Hà Nội quan tâm đến việc nếu con em chưa có hộ khẩu Hà Nội thì có được theo học ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM hay không?
Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ảnh: Pháp luật TPHCM. |
Theo Pháp luật TPHCM và Gia đình & xã hội, liên quan đến vấn đề này, sáng 7/11, trong buổi họp báo của Bộ Công an vềviệc bỏ các thủ tục về hộ khẩu và CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, Trung tướng Trần Văn Vệ (Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết bỏ hộ khẩu không có nghĩa bỏ quản lý con người. Thực chất, Nhà nước vẫn sẽ quản lý công dân theo hộ khẩu nhưng bằng công nghệ thông tin, trên thế giới không nước nào bỏ quản lý theo hộ khẩu cả, chỉ bỏ tờ giấy hộ khẩu, chuyển sang quản lý con người bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể hơn, Thượng tá Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cục cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - C72 Bộ Công an) cho biết bỏ sổ hộ khẩu tức là chỉ bỏ sử dụng cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy, thay vào đó là quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin; mọi chính sách, thủ tục về đăng ký, quản lý cư trú của công dân vẫn thực hiện bình thường.
Bản thân quyển sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa xác định nơi cư trú của công dân chứ không phải là thủ tục để thực hiện quản lý. Hiện các bộ, ngành đang dựa vào sổ hộ khẩu để xác định về con người và nơi cư trú của họ, tức là dựa vào đó để giải quyết thủ tục hành chính.
“Lấy ví dụ như trong khu vực chỉ có một trường học để phục vụ một số lượng nhất định mà thôi, khi số lượng vượt quá khả năng, người ta không biết dựa vào đâu thì sổ hộ khẩu là một căn cứ để họ giới hạn lại. Sau này dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng anh là người ở đâu, cư trú tại nơi nào thì thông tin vẫn có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” – Thượng tá Phú cho hay.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, việc bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ việc quản lý dân cư mà thay hệ thống quản lý bằng giấy bằng hệ thống quản lý điện tử hiện đại. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay đổi các quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử hiện đại, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Như vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách khác, bản thân quyển sổ hộ khẩu không thể giới hạn số lượng người nhập học.
Lê Vy (tổng hợp)