Tin tức trên VnExpress cho hay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn giải trình về những nhóm vấn đề được chọn chất vấn, công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ nhiều dự án chậm, đội vốn. Một trong số đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Trên báo VTC News, Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình nguyên nhân của việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư dự án là do công trình có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, có tính chất kỹ thuật phức tạp, Công nghệ mới lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Nhiều hạng mục chưa có trong quy trình trong nước, phải vận dụng, sử dụng quy trình, công nghệ của Trung Quốc.
Dự án được triển khai trong khu vực trung tâm thành phố, nên công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật khó khăn, thời gian kéo dài. Quy hoạch kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị và kết nối với các loại hình vận tải công cộng chưa được xác định cụ thể nên mất nhiều thời gian thỏa thuận, phê duyệt làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.
Quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án dài, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chế, biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, Chính sách tiền lương và Tỷ giá ngoại tệ… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức đầu tư dự án.
Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ: “Vì việc thời gian kéo dài như thế, dự án trải qua 2 đợt nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao. Năm 2008 – CPI 19,9%; giai đoạn 2010-2011 CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%. Tổng tỷ lệ lạm phát của 3 năm này là 49,83%, ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng. Cộng với đó, việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án là khó tránh khỏi”.
Báo Lao Động cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Theo dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng sau nhiều lần phải điều chỉnh và lỡ hẹn đến nay vẫn chưa được đưa vào vận hành và khai thác thương mại.
Để chuẩn bị cho việc khai thác thương mại, UBND TP. Hà Nội cũng đã công bố giá vé tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa đủ điều kiện đưa vào vận hành thương mại từ cuối tháng 4/2019.