Sáng 5/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về nhóm vấn đề về hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới...
Ảnh minh hoạ.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, hiện nay cơ chế phạt nguội đối với lỗi lái xe không chính chủ chưa phát huy hiện quả, hầu hết người vi phạm không chịu đóng tiền phạt.
"Thực tế hiện nay có tình trạng xe không chính chủ, người vi phạm khi bị phát hiện qua các thiết bị công nghệ thì không chịu nộp phạt. Trong khi chưa có quy định pháp luật về vấn đề này, trước mắt Bộ có giải pháp gì để xử lý người vi phạm mà không chịu nộp phạt?", trên VOV dẫn lời đại biểu tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Thể
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tái khẳng định người dân mua bán xe bắt buộc phải sang tên, đây là quy định của pháp luật. "Ai điều khiển phương tiện thì phải có trách nhiệm nộp phạt nếu vi phạm, dù chính chủ hay không. Nếu trong trường hợp không nộp phạt ta có thể tạm giữ phương tiện. Nếu ta chạy theo chính chủ hay không chính chủ thì sẽ rất khó", trên Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Thể trả lời.
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết khi người dân thực hiện mua bán bắt buộc phải sang tên, đổi trước bạ. Không làm nghĩa là người dân đang vi phạm. Ông đề nghị Nhà nước vận động, kết hợp với kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, để người dân có thể thực hiện đúng quy định.
"Trước mắt, khi chưa có đầy đủ quy định pháp lý liên quan đến xử phạt nguội thì chúng ta có thể có các giải pháp tạm thời như căn cứ vào hồ sơ nhân thân, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe để xử lý người vi phạm", Bộ trưởng Thể nêu giải pháp.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng mong muốn có thể bổ sung luật, nghị định để có thể tiến hành xử phạt nguội, thông qua các thiết bị công nghệ. Hiện, Bộ đã có một số dự án (ITS) giám sát trên các quốc lộ và những địa bàn trọng điểm. Công an cũng đã có một hệ thống và hiện nay hệ thống của Bộ Công an đã tiến hành xử phạt nguội.
Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo kết nối số liệu với Bộ Công an để cơ quan này có thể sử dụng toàn bộ các hình ảnh, các công trình, dự án đầu tư để có thể xử lý hoặc bổ sung các kiểm định để xử phạt.
“Chúng tôi khẳng định là chỉ có Công nghệ mới có thể giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chúng ta kịp thời phát hiện các xe có vấn đề nghi vấn để xử lý. Tôi rất ủng hộ chủ trương này và rất mong Quốc hội ủng hộ để chúng ta sửa luật và đảm bảo ứng dụng công nghệ được tốt”, tư lệnh ngành giao thông nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt PC08, Công an TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị này đã ghi hình, ra thông báo phạt nguội 29.000 phương tiện vi phạm luật giao thông nhưng chỉ có 5.000 trường hợp đóng phạt.
TP.HCM có gần 60.000 trường hợp vi phạm phát hiện qua hình ảnh nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó chấp hành nộp phạt với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Còn lại 80% (khoảng 40 tỷ đồng) vẫn chưa được nộp vào Kho bạc Nhà nước.