Gian lận trong thi tuyển công chức, bệnh vô cảm của một số cán bộ công viên chức, bổ nhiệm quá nhiều cấp phó, xuất hiện nhiều hàm lạ...là những vấn đề được các đại biểu quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn sáng nay (18/11).
"Chưa có kết quả gian lận thi công chức Bộ Công thương"
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, ĐB Cao Thị Xuân nhắc lại vụ việc dư luận bức xúc trước thông tin tiêu cực thi cử Bộ công thương và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết kết quả thanh tra.
“Chúng tôi được biết, ngày 28/8/2014 bộ Nội vụ vừa ra quyết định thanh tra toàn diện việc thi tuyển công chức và quản lý biên chế tại Bộ Công thương với thời gian thanh tra là 45 ngày. Kết quả thanh tra thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng trong vụ việc này?”
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, thi tuyển công chức là thẩm quyền của Bộ, của tỉnh. Thi tuyển viên chức có thể Bộ tỉnh phân cấp xuống các đơn vị trực tiếp viên chức có thể thi hoặc xét. Chức năng của mình, Bộ Nội vụ có thể kết hợp với Sở nội vụ các nơi phát hiện sai sót đề nghị xử lý. Vừa qua một số đơn vị, địa phương đã xử lý một số trường hợp vi phạm.
Riêng đối với bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, do tình hình thực tế, mặc dầu thanh tra đột suất nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ thanh tra.
“Chúng tôi lấy mốc là từ đầu nhiệm kỳ đến nay do đó thời gian kết thúc thanh tra Bộ Công thương không chỉ riêng quản lý thị trường mà các đơn vị trực thuộc do đó đến nay đang hoàn thành hồ sơ để trao đổi thống nhất với đơn vị được thanh tra để ban hành luật thanh tra”, Bộ trưởng Bình nói.
“Bệnh vô cảm của cán bộ công viên chức khó giải quyết vì thuộc phạm trù đạo đức”
Cũng liên quan đến vấn đội ngũ cán bộ công viên chức, trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về bệnh vô cảm của một số cán bộ công, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận có thực trạng này.
“Lẽ ra cán bộ công viên chức phải đăt mình vào suy nghĩ của người dân như người cấp sổ đỏ thì phải hiểu mong muốn, nguyện vọng của người xin cấp, bác sĩ phải hiểu người bệnh…”, ông Bình nói thêm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong tình hình thực tế giải quyết vấn đề này rất khó bởi vô cảm thuộc phạm trù đạo đức.
“Cơ bản giải quyết cái này với cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao đối với công việc, mang tính nguyên tắc, thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Pháp luật cũng có những quy định cấm cán bộ công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình “bốc thuốc” chữa bệnh vô cảm.
Xuất hiện nhiều hàm lạ
Tham gia phiên chất vấn, ĐB Bùi Mạnh Hùng còn đề cập đến vấn đề gần đây xuất hiện nhiều hàm lạ như hàm vụ trưởng, hàm vụ phó. “Với tình trạng này, liệu thời gian tới có hàm giám đốc hay không?”, ĐB Hùng đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, hiện nay trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, về công tác bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về hàm. Tuy nhiên thực tế tại nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã vận dụng cho hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo quản lý đối với cán bộ công chức viên chức. Một số bộ ngành còn ban hành cả quy chế bổ nhiệm chức vụ hàm.
“Cá nhân tôi thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết công tác cán bộ”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng cho biết, ngày 11/6/2014, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các bộ ngành cung cấp danh sách cán bộ được vận dụng hưởng chức danh hàm quản lý từ cấp phòng trở lên. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan thuộc chính phủ hiện có 239 công chức viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ hàm, chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên.
Cụ thể, hàm vụ trưởng là 96, hàm phó vụ trưởng là 150, hàm trưởng phòng 76, hàm phó phòng 17.
Về phương hướng giải quyết vấn đề này, ông Bình cho biết, từ tháng 6 đã thành lập tổ nghiên cứu về vấn đề này về mặt lý luận thực tiến, sau đó sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá thực chất về hàm này.
H.Minh