Độc tố của quả hồng trâu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt của quả, tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp, người ngộ độc có thể chết do suy hô hấp và trụy tim mạc.
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế ngày 15.9 đã có thông báo về quả hồng trâu (Capparis versicolor Griff), họ màn màn (Capparaceae) có chứa độc chất gây tử vong.
Quả hồng trâu
Theo đó, Trung tâm Phòng chống nhiễm độc thuộc Học viện Quân y, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã điều tra, lấy mẫu, định loài và nghiên cứu độc tính loại quả này.
Kết quả cho thấy, loài thực vật gây ra các vụ ngộ độc trên, cây hồng trâu (Capparis versicolorGriff), họ Màn màn (Capparaceae). Tên gọi theo địa phương khác là: cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)... Chỉ một lượng khá nhỏ cũng khiến tử vong trên động vật.
Độc tố của quả hồng trâu là alcaloid, có mặt chủ yếu trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Thử nghiệm trên động vật cho thấy, liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Vụ ngộ độc hồng trâu lớn đầu tiên được ghi nhận vào ngày 1/8 ở tỉnh Cao Bằng với 10 nạn nhân, trong đó có 3 người tử vong. Sau đó 1 ngày, tại tỉnh Hà Giang, có thêm 3 người ngộ độc loại quả này, 2 trong số đó tử vong.
Hồng trâu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông. Quả non vỏ màu xanh nhạt, khi chín, vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp màng mầu hồng. Mỗi quả có 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô màu tím và khá đẹp. Quả hồng trâu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu khi ngộ độc hồng trâu. Hiện các bác sĩ vẫn điều trị bằng các biện pháp thông thường như gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt tính với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không, có thể cho uống lòng trắng trứng)…
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn quả hồng trâu và cũng như các loài quả dại khác, kể cả chỉ ăn thử nghiệm một lần.
Dã Quỳ (Tổng hợp)
Theo Nguoiduatin.vn