Cả 5 nạn nhân đều những biểu hiện bị ngộ độc như nôn ói, co giật , nguyên nhân được xác định là vì ăn nhộng ve sầu.
Vụ việc diễn ra vào hôm qua (11-3), bệnh nhân gồm: Nguyễn Ngọc Nhật (SN 1986), Trần Đình Tuấn (SN 1983), Ngô Văn Hưởng (SN 1981), Lê Cao Cường (SN 1958) và Nguyễn Ngọc Tiên (SN 1953, cùng ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Cả 5 người đều có những biểu hiện ngộ độc như nôn ói, co giật. Sau đó chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Các bác sĩ cho biết hiện tại sức khỏe của các nạn nhân đã ổn định, nói chuyện được nhưng vẫn còn nạn nhân bị nôn ói.
Vào ngày 9/3, khi đang cuốc đất thì những nạn nhân trên phát hiện một ổ nhộng ve sầu làm tổ dưới đất nên nhặt vào rửa sạch, ngâm nước muối. Sau đó, anh Nhật cùng anh Tuấn đem chiên dầu rồi cùng gia đình cuốn bánh tráng ăn. Cùng ăn có hàng xóm là ông Lê Cao Cường.
Trước đó, vào ngày 7/5/2014, cũng tại Bình Phước đã có trường hợp một người ăn nhộng ve sầu tử vong. Ông Điểu Mỏn, sinh năm 1955, ở ấp Cây Me, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, Bình Phước vì ngộ độc quá nặng do ăn nhộng ve đã tử vong sau 4 ngày điều trị.
Khuyến cáo của bác sĩ: Theo BS. Tiêu Văn Linh (Chi cục ATTP Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Đa số người dân khi bắt nhộng ve sầu về đã không quan sát thấy hình dáng lạ, nghi ngờ của nhộng ve sầu mà chỉ sơ chế qua rồi cho lên chiên giòn và đưa vào bàn nhậu. Chính sự chủ quan đó là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc do ăn nhộng ve sầu.
Mọi người nếu phát hiện nhộng ve sầu đã chết có thân cứng, phủ một lớp màu trắng giống phấn trên mình nhộng, trên đầu có một hoặc nhiều sợi giống nấm màu nâu đỏ, bẻ đôi con nhộng thấy mình nhộng đã có hiện tượng giống như hóa vôi thì chắc chắn đó là nhộng không ăn được cần phải loại bỏ ngay. Tuyệt đối không được sử dụng nhộng ve sầu và các loại côn trùng khi chúng đã chết và có hiện tượng bị nhiễm nấm, nhộng ve có hình dáng bất thường.
Dã Quỳ (Tổng hợp)