Trẻ bị sặc là một tai nạn khá phổ biến khi trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý và biết những kiến thức cơ bản để sơ cứu cho trẻ.
Mới đây, vụ bé gái 1 tuổi tử vong nghi do sặc cháo tại nhà giữ trẻ ở TPHCM đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Theo đó, trưa 26/4 bà Trần Thị Nga (47 tuổi, trú Q.4, tạm trú huyện Hóc Môn, TPHCM) cho các bé ăn cháo say nhuyễn tại cơ sở trông giữ trẻ của mình. Do cháu P.N.Q.T (1 tuổi) trong lúc ăn cháo đã vừa ăn vừa khóc nên bị sặc cháo, ngạt thở và ngất.
Mặc dù, bà Nga tìm cách sơ cứu cho cháu T. nhưng không hiệu quả nên đã gọi điện cho mẹ cháu T. đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, phía bệnh viện xác nhận cháu T. đã tử vong từ trước đó.
Trước đó, một sự việc đâu lòng tương tự cũng xảy ra tại Quảng Nam.
Chiều ngày 13/11/2014, cháu Phạm Bảo Hân (16 tháng tuổi) được phát hiện chết tại cơ sở mầm non Hồng Hà (phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Theo đó, khoảng 16h cùng ngày phía nhà trường gọi điện thoại cho gia đình thông báo đến để đưa cháu Hân đi cấp cứu do cháu bị sặc cháo sau khi ăn. Tuy nhiên khi đến trường, gia đình phát hiện cháu Hân đã ngừng thở. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện thì được các bác sĩ xác định cháu đã tử vong từ trước do sặc cháo gây tắc đường thở.
Những sự việc đau lòng trên đã cảnh tỉnh không chỉ các bậc phụ huynh và những người chăm sóc trẻ nhỏ cần phải có những kiến thức nhất định để sơ cứu cho trẻ khi bị sặc nước hay đồ ăn, dị vật.
Theo TS. BS. Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV E Trung ương cho biết, sặc ở trẻ em xảy ra khi dị vật (thức ăn, nước, sữa, hạt đậu, bi...) lọt vào đường hô hấp của trẻ (trong y văn gọi là hội chứng xâm nhập đường thở). Sặc ở trẻ là một cấp cứu tối khẩn cấp bởi vì nếu bị suy hô hấp nặng, trẻ sẽ nhanh chóng tử vong hoặc nếu qua khỏi cũng để lại rất nhiều di chứng nặng nề về thần kinh do não bộ bị tổn thương bởi một tình trạng thiếu ôxy quá lâu.
Cách sơ cứu khi trẻ bị sặc. Ảnh: Internet |
Trong trường hợp trẻ bị sặc cha mẹ và người lớn cần chú ý những cách sơ cứu sau:
Trường hợp sặc sữa:
Điều đầu tiên là phải làm cho sữa thoát ra khỏi đường hô hấp càng nhanh càng tốt.
- Cách nhanh nhất, đơn giản nhất có thể làm ngay là: dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp có thể làm cho trẻ khó thở, tím tái.
- Nếu trẻ bị tắc thở lâu, khả năng cứu chữa càng khó khăn, khi hút xong nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được, sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Trường hợp trẻ bị sặc cháo
- Kiểm tra xem trong miệng trẻ có thấy dị vật như xương, các loại hạt có trong cháo... thì có thể dùng tay lấy ra.
- Nếu không nhìn thấy dị vật mà bé vẫn ho và sặc, mặt mũi tím đi thì có thể dùng tới biện pháp vỗ lưng hoặc ấn ngực.
Vỗ lưng: Bé dưới 5 tuổi thì đặt nằm xuống đùi bạn, mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn ngực. Dùng gốc bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa hai bả vai. Kiểm tra miệng và lấy bất cứ thứ gì vừa xuất hiện.
Trẻ lớn thì có thể cho ngồi hoặc đứng và tiến hành vỗ lưng theo cách trên.
Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Ấn ngực: Đặt bé dưới 5 tuổi nằm ngửa trên đùi bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực. Ấn 5 lần vào nửa dưới của xương ức (với bé dưới 12 tháng thì dùng 2 ngón tay để ấn, với bé lớn hơn thì dùng phần gốc của bàn tay).
Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú). Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng.
Nếu đường thở vẫn tắc thì làm luân phiên 5 lần vỗ lưng/5 lần ấn ngực.
Nếu bé bất tỉnh và ngưng thở: Gọi cấp cứu ngay. Bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực).
Trường hợp trẻ sặc thức ăn
- Kiểm tra miệng bé và lấy ra tất cả những thứ bạn có thể nhìn hoặc sờ thấy.
- Thực hiện động tác vỗ lưng, ấn ngực như trên.
Điều cần chú ý là khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị sặc, cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu bằng thủ thuật trên đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau đó. Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được khám, kiểm tra và lấy bỏ dị vật (nếu còn) bằng chiếu chụp Xquang phổi và nội soi khí phế quản.
Lê Vy (tổng hợp)