Ngày 25.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Tại đây, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cũng đã báo cáo dự thảo đề án chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015.
Theo đó, toàn bộ sách giáo khoa ở các lớp sẽ được biên soạn và cải cách hoàn toàn mới trong thời gian 2014 – 2020. Các công việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cũng được thử nghiệm theo chương trình cải cách này…
Thưa giáo sư, ông nhận định như thế nào về dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo tại phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực?
Tôi nghĩ, đây là câu chuyện cực kỳ phi lý. Bởi một sự thật là chúng ta chưa hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa thì không thể có kế hoạch biên soạn sách giáo khoa.
Đối với việc in sách giáo khoa lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in nhưng việc trình bày có thể rất khác nhau. Để lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy vào thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có sự cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt cho học sinh. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học và lành mạnh.
Còn như theo lộ trình của đề án, năm 2015 mới bàn lại chương trình giáo dục phổ thông, sau đó mới làm thí điểm chương trình sách giáo khoa. Tiếp đó là hàng loạt các vấn đề khác như thí điểm viết lại bộ sách giáo khoa, thí điểm sử dụng sách giáo khoa … Theo tôi vừa không có sự khoa học mà sẽ bất cập nhiều vấn đề phát sinh và không đạt được kết quả.
GS có thể dẫn ra những ví dụ cụ thể để minh chứng cho những điều mình khẳng định ở trên?
Tôi có thể dẫn chứng ngay trong bộ môn sinh học là môn tôi nghiên cứu khá sâu. Bộ sách giáo khoa Sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý. Có rất nhiều vấn đề được đưa ra nhưng kiến thức lại dừng ở mức độ rất "nông".
Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta không giống bất kỳ nước nào. Chương trình học quá nặng nhưng kiến thức lại mờ nhạt (có lẽ do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Sinh học trước đây của Liên Xô).
Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh, Trường ĐH Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy sách giáo khoa Sinh học trong chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít.
GS có sáng kiến gì cho việc cải cách sách giáo khoa trong thời gian tới?
Tôi thấy việc thay đổi chương trình sách giáo khoa cần có sự tham khảo chương trình ở các nước. Tôi chú ý đến chương trình của hai nước: Pháp và Nepal.
Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học Sinh học (Biologie) mà chỉ học môn Khoa học về sự sống và về Trái đất. Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về Trái đất nói chung. Còn ở Nepal, một nước rất nghèo, họ lại coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ. Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu, chỉ có 4 phân ban: Quản trị & Kinh doanh, Xã hội & Nhân văn, Toán-Lý và Hóa- Sinh.
Các nước Anh, Pháp, Australia... đều dạy môn Sinh học theo phương pháp tích hợp.
Trước đây, ta đã mời chuyên gia Australia sang giúp xây dựng một chương trình sinh học theo hướng tích hợp. Không hiểu vì sao lại không được sử dụng?! Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp.
Dạy sao cho học sinh có được hiểu biết chung về sự sống, kể cả những khám phá mới nhất về sự sống (tất nhiên bằng những khái niệm dễ hiểu và dễ nhớ). Chi tiết nào thầy không nhớ nổi thì đừng bắt học sinh phải nhớ. Đừng ngụy tạo ra quan điểm thay đổi như thế thì giáo viên không dạy được. Nếu thấy cần, có thể cho học sinh “rẽ ngang”, không học tiếp đại học thì nên theo hướng phân ban sâu như Nepal. Chuyện này cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Cần tổ chức các cuộc Hội thảo sâu sắc về nên phân ban sâu hay không phân ban. Bỏ hẳn kiểu phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay.
Mời bạn đọc xem clip đang được nhiều người theo dõi trên tinmoi.vn: "Nữ giáo viên gợi cảm, xinh như hotgirl khiến học sinh phát cuồng"
Theo Motthegioi