Công việc hút nọc độc rắn của những con rắn độc nhất thế giới khiến Jim Harrison, 55 tuổi phải đối diện với thần chết mỗi ngày.
Jim Harrison, 55 tuổi, dùng tiếng lóng 'vắt sữa' để miêu tả công việc chính của mình là hút nọc độc rắn nguy hiểm nhất thế giới tại Vườn bò sát Kentucky. Mỗi tuần, dùng tay không, ông trích nọc độc 600-1.000 trong số 2.000 con rắn tại vườn thú. Thật khó tin, trong số cả triệu lần mạo hiểm mạng sống để làm công việc nguy hiểm nhất thế giới này, Harrison mới bị rắn cắn 8 lần. Trong đó, có vết cắn của rắn vipe siêu độc khiến ông phải nằm viện 2 tuần và trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng Harrison cho biết công việc này rất đáng để làm bởi nó giúp cứu sống nhiều mạng người nếu nghiên cứu thành công.
Harrison dùng tay giữ chặt đầu rắn, nghiêng nó về phía chiếc bình thủy tinh. Động tác này khiến con rắn cắn vào thành bình và từ đó, tự động phun nọc độc vào bên trong bình. Nọc độc này được Harrison và vợ ông, Kristen Harrison, 37 tuổi, đem bán cho các dự án nghiên cứu. Nọc rắn đen châu Phi dùng trong những nghiên cứu về bệnh Alzheimer; nọc rắn mang bành châu Á cho nghiên cứu về thuốc kháng virus.
|
|
Cận cảnh vết rắn cắn kinh dị trên ngón tay Harrison. Nhiều ngón tay khác trên bàn tay ông đã bị mất ngón do ảnh hưởng từ nọc rắn độc. Harrison phải cho tay vào xô nước đá để giảm đau trong thời gian điều trị vết rắn cắn ở bệnh viện.
Hình ảnh một trong 2.000 con rắn độc tại Vườn bò sát Kentucky của Harrison. Đây chính là bộ sưu tập rắn độc lớn nhất nước Mỹ và rất có thể là lớn nhất thế giới. Jim Harrison làm công việc trích nọc độc rắn từ năm 17 tuổi. Ông có hứng thú với loài bò sát nguy hiểm này từ khi còn rất nhỏ. Ông tự tay bắt được con rắn đầu tiên trong đời khi mới 6 tuổi.
Vợ ông bắt đầu quan tâm tới rắn độc khi đang học đại học. Trong hình là Kristen đang cầm một lọ thủy tinh chứa nọc độc rắn. Một số nọc độc rắn thậm chí được dùng trong các nghiên cứu về bệnh ung thư da và ung thư vú.
Hai vợ chồng Jim và Kristen bán mỗi bình nhỏ chứa nọc độc rắn với giá hàng ngàn USD, chủ yếu cho các dự án nghiên cứu sinh học, ngoài ra còn có các công ty dược và các trường đại học.
Vườn bò sát Kentucky của hai vợ chồng Harrison hoạt động phi lợi nhuận. Mọi chi phí đều được trang trải nhờ số tiền bán nọc độc rắn và số người tới đây thăm quan.
Harrison cho biết, đối với nhiều người, nuôi rắn độc đã là một chuyện kỳ cục bởi họ nghĩ tại sao lại phải mạo hiểm mạng sống của mình nhưng thực tế không quá nguy hiểm đến vậy nếu sử dụng những biện pháp phòng tránh đúng cách. Vợ ông, Kristen nhấn mạnh, mặc dù thường xuyên tiếp xúc với rắn độc nhưng khả năng cô hoặc chồng mình bị chết là rất thấp bởi họ luôn có sẵn thuốc chống nọc độc rắn. Nếu phải cấp cứu kịp thời, họ cũng sẽ nhanh chóng qua khỏi.
Với Harrison, bất cứ con rắn có nọc nào cũng có thể gây nguy hiểm, nhưng chỉ khi con người làm điều gì đó ngu ngốc mà thôi.
Dã Quỳ (Theo Dailymail)
Theo Nguoiduatin.vn