Trong đống núi ve chai nhà ông Thơm có hơn 1.000 sản phẩm tái chế có giá trị. Nhiều sản phẩm có giá cả ngàn USD nhưng ông không bán.
Ngôi nhà hai tầng nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM của ông Tống Văn Thơm chất đầy các loại đồ tái chế, còn bằng khen, kỷ niệm chương được treo, dựng khắp nơi. Đó là công sức và thành quả của 22 năm của ông - người được mệnh danh “chuyên gia tái sinh rác thải”.
Với ông Thơm, mỗi đồ vật đều có giá trị riêng cho dù chúng đã hư hỏng hay hết công năng sử dụng. Nâng niu gom góp từng món đồ, hơn 22 năm qua ông Thơm đã sở hữu 2.000 món đồ phế thải. Từ tình yêu đồ phế thải cùng đôi bàn tay khéo léo của ông, rất nhiều “tác phẩm nghệ thuật” được ra đời, giúp làm sống lại những vật dụng đã bỏ đi.
Chiếc quạt trần “độc nhất vô nhị” của ông Thơm. Ông cho biết chiếc quạt này được kết hợp với đèn cảnh được chế từ kính mica của xe hơi. Khi xoay nó sẽ là chiếc quạt trần, khi ngừng, cánh quạt sẽ cụp xuống thành đèn chùm.
Trong 22 năm qua, buổi sáng ông Thơm làm việc ở nghiệp đoàn rác, buổi chiều về nhà bắt đầu công việc tái chế rác thải. Nhiều vật dụng đã được ông làm “sống” lại như đầu đĩa, tivi, điện thoại, đàn, lon bia... Giá trị khối tài sản của ông Thơm từ các sản phẩm do chính ông “tái sinh” khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Trong các món đồ được tái chế có chiếc máy quạt trần mà theo ông Thơm là “độc nhất vô nhị”, bởi chiếc quạt này được kết hợp với đèn cảnh được chế từ kính mica của xe hơi. Khi xoay nó sẽ là chiếc quạt trần, khi ngừng cánh quạt sẽ cụp xuống thành bóng đèn chùm.
Đặc biệt, trong “gia tài” đó có nhiều món đồ rất giá trị như: cây đàn xếp được một người Pháp trả giá 45 triệu đồng; những cây đàn organ đời đầu với hơn 30 năm tuổi có giá 20 - 30 triệu đồng; bộ hươu cao cổ, nai làm bằng rễ cây được một Việt Kiều trả với giá 600 USD; con rồng làm bằng rễ cây giá 17 triệu; bộ sưu tập tiền cổ các niên đại lượm lặt từ rác giá 5 triệu đồng... cùng vô vàn đồ điện tử đời đầu của Nhật, Mỹ có giá từ 4 - 5 triệu đồng. Nhiều người đến trả mua các món đồ của ông Thơm nhưng ông không bán mà chỉ để ngắm.
Trong 2.000 sản phẩm do ông Thơm tái chế, có hơn 1.000 sản phẩm có giá trị. Ước tính tổng các sản phẩm do ông Thơm tái sinh có giá hơn 1 tỷ đồng.
Chiếc xe tăng chế từ vỏ đạn được ông Thơm tái chế nhìn rất đẹp.
Nhiều cây tăm xe bỏ đi được ông Thơm tái sinh thành mô hình chiếc xe đạp trưng bày trong nhà.
Đồng tiền cổ 12 con giáp được ông Thơm nhặt và tái chế thành sản phẩm khá thú vị. Theo ông Thơm, nhiều người tới trả các đồng tiền này giá rất cao nhưng ông không bán.
Những đồ điện tử từ 50-60 năm về trước được ông Thơm tái chế và nâng niu như báu vật. Theo ông Thơm những sản phẩm như thế có người đến trả từ 5-7 triệu đồng nhưng ông không bán.
Chiếc tivi trắng đen cùng với công năng gọi điện được nhiều người ra giá cao nhưng ông Thơm không bán.
Chiếc điện thoại quay số cổ được ông Thơm nhặt ở bãi rác đem về nhà làm “sống lại". Theo ông Thơm, lúc nhặt, chiếc điện thoại bàn này chỉ còn có lõi bên trong. Sản phẩm này cũng có người tới trả giá 30 triệu đồng.
Trong “gia tài” của ông Thơm có nhiều món đồ rất giá trị như: cây đàn xếp được một người Pháp trả giá 45 triệu đồng; những cây đàn organ đời đầu với hơn 30 năm tuổi có giá 20 - 30 triệu đồng.
Những máy ảnh cổ cũng được ông Thơm sưu tầm.
Trong nhà ông Thơm bày biện chẳng khác gì một trung tâm điện tử thu nhỏ. Các sản phẩm được ông Thơm tái chế có giá trị ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài việc tái chế rác thải, ông Thơm còn nhận sửa chữa đồ điện tử cho các hộ dân sống gần nhà ông. Ông Thơm cho biết, trước đây ông làm công việc thợ sữa chữa tàu nhưng do sức khỏe yếu nên những năm 70 chuyển sang nghề làm rác và sau đó bén duyên với công việc tái chế
Những giấy khen, bằng khen mà ông Thơm được cơ quan chức năng trao tặng vì đã làm cho môi trường sạch hơn trong việc tái chế rác thải