Câu chuyện Bí thư thành ủy Hội An "treo ấn từ quan" dù còn hơn hai năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu khiến nhiều người bất ngờ.
Ông Nguyễn Sự (SN 1957) đã có 21 năm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt của TP Hội An, từ Chủ tịch qua Bí thư. Ông Sự từng làm cán bộ đoàn, chủ tịch xã, trưởng phòng tài chính, trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An (2 nhiệm kỳ), Bí thư Thành ủy Hội An (2 nhiệm kỳ).
Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự bất ngờ "treo ấn từ quan" |
Bí thư Sự được biết là người nhiệt tâm góp công sức đưa Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới (năm 1999), có nhiều quyết sách đưa nơi này thành điểm đến lý tưởng với du khách nước ngoài.
Nhiều năm qua, ông được người dân Hội An ghi nhận là cán bộ lãnh đạo được nhân dân tin cậy, yêu mến, có khả năng điều hành quản lý và có nhiều sáng kiến, có uy tín về phẩm chất đạo đức cũng như sự liêm chính.
Năm 2005, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì nhiều thành tích trong việc giữ gìn và bảo tồn Hội An.
Ông Nguyễn Sự trong một lần trò truyện với người dân. Ảnh: Lao động |
Năm 2013 ông Nguyễn Sự từng gửi đơn xin từ chức nhưng không được Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý. Mới đây ông vừa gửi đơn lại và đã được chấp nhận.
Ông Sự xin nghỉ việc không phải vì bị kỷ luật, không phải lý do sức khỏe, vì thiếu năng lực, mất uy tín hay tai tiếng tham nhũng. Chia sẻ với báo chí, ông Sự nói mình xin rời vị trí vì cảm thấy đã đến lúc để tạo cơ hội cho những người trẻ, có tư duy mới hơn để đưa Hội An phát triển đột phá.
"Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm từ vị trí chủ tịch qua bí thư là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em. Mình ngồi đó, anh em sẽ không lên đượci” ông Sự chia sẻ trên báo Tuổi trẻ.
Ông Nguyễn Sự (bìa trái) trong dịp vận động cán bộ công chức Hội An đi làm bằng xe đạp (tháng 3-2014). Ảnh: Tuổi trẻ |
Ông Sự quan niệm rằng, chủ tịch hay bí thư, vị trí lãnh đạo không phải là gia tài điền sản do ông bà, cha mẹ để lại cho mình mà nó là của xã hội. Vị trí cũng do xã hội đặt anh lên, Đảng giao cho.
"Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi. Tôi không muốn như vậy. Đã đến lúc mình cần rời vị trí thì phải rời. Một đoạn đường 21 năm với cương vị chủ chốt của thành phố, bây giờ mình đặt gánh xuống trao lại cho anh em có nghĩa là mình rời cái gánh lo toan rất nhẹ nhàng.
Chứ không phải đặt gánh xuống ban ân huệ cho anh em, cũng không phải mình để lại vàng không đâu, mà cả thau lẫn rác trong đó", ông Sự nói.
Ông Nguyễn Sự trong một lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ. Ảnh: Người lao động. |
Cũng theo ông Sự, ông đã suy nghĩ rất nghiêm túc về điều này trước khi quyết định. Ông giãi bày: "Nếu nói về được, tôi được quá nhiều, không phải là được danh hay lợi mà là có môi trường, có vị trí để thực hiện sở nguyện của mình trên mảnh đất này. Ngoài ra, mình cũng để lại được một chút gì đó trong lòng mọi người khi mình làm việc. Người ta có thể ghét, oán, chê mình về mặt trình độ nhưng mình không làm gì để người ta khinh mình. Mình giữ bản thân một cách trọn vẹn để đến hôm nay mình trở về một cách thanh thản".
Ngoài những việc làm được cho Hội An, ông Nguyễn Sự còn được dư luận biết đến là người đưa ra chủ trương "công chức Hội An đi làm bằng xe đạp" và là bí thư thành ủy đi làm bằng xe đạp trong nhiều năm qua.
Sau thông tin ông quyết định "treo ấn từ quan", trên báo Lao động có đăng tải một số câu chuyện "ít biết" về vị "quan" này do chính người dân Hội An kể lại.
Theo bài viết, ông Nguyễn Sự là con người đặc trưng đã góp một phần làm nên linh hồn của Hội An. Khi nhắc đến Hội An, người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Sự, và ngược lại. Những người dân bình thường đều gọi ông là "người lãnh đạo sống tử tế nhất”.
Cụ thể, khi Hội An chìm trong nước, ông Nguyễn Sự dầm mưa trèo lên canô hò hét chỉ đạo bà con bảo vệ con người, bảo vệ tài sản, bảo vệ phố cổ. Một người dân bị nước lũ cuốn trôi, trước mặt một tài công đang điều khiển chiếc ghe lớn chở hàng hóa cho các thương lái. Anh này bỏ mặc người bị nạn. Ông Nguyễn Sự cho dừng canô cứu người và tức tốc đuổi theo anh tài công kia. Khi đuổi kịp, ông nhảy qua xuồng của anh ta, anh ta van nài: “Nghề sông nước của em không được cướp mồi của Hà Bá anh có bắt em thì bắt”. Ông Nguyễn Sự xán cho hắn bạt tai: “Tau xán cho mi nhớ vì cái tội phản bội đạo lý của dân tộc “thấy chết mà không cứu”, chớ bắt mi làm chi, Hà Bá ở mô mi chỉ tau coi!”.
Khi Hội An mở cửa, du khách Tây đến nườm nượp, Nguyễn Sự cho mời bà con trong phố đi học tiếng Anh. Ông chỉ đạo cho phòng Văn hóa, phòng Giáo dục, cả văn phòng Ủy ban mở lớp dạy tiếng Anh cho tiểu thương, thợ thủ công, công chức và bà con Hội An nườm nượp đi học. Ở Hội An không có massage, nhiều người đề xuất mở dịch vụ này, Nguyễn Sự nạt: “Không moát xoa, moát xiếc gì rồi sinh hư ra, muốn moát xoa thì đi chỗ khác, “Ven hóa” mới là cái mà du khách cần ở Hội An và Hội An cũng cần những du khách có “ven hóa”!
Theo tin tức trên báo Thanh niên, dự kiến, vào ngày 13/6 tới, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hội An sẽ tổ chức bầu chức danh Bí thư Thành ủy mới thay ông Nguyễn Sự. Đây là phiên bầu cử bất thường, diễn ra sớm khoảng 1 tháng trước kỳ Đại hội Đảng bộ TP (đại hội dự kiến tổ chức tháng 7.2015).
H.Minh (tổng hợp)