Với đôi chân tuổi trẻ khao khát chinh phục những miền đất lạ, Hồ Nhật Hà đã bắt đầu hành trình đi bộ xuyên Việt khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 100k. Vừa đi, anh vừa kiếm thêm tiền. Kết thúc hành trình, anh được một người bạn tặng cho chiếc vé máy bay để về quê hương Phú Yên.
Những chuyến đi xuyên Việt đầy gian khó từ lâu đã trở thành hành trình khám phá bản thân, thử thách trưởng thành của người trẻ mê xê dịch. Mới đây, dân mạng dành nhiều sự chú ý cho một thanh niên "dành cả thanh xuân" đi bộ xuyên Việt. Anh nói mình muốn đi để tự kiểm chứng tình người trong xã hội.
Chàng trai đang được nhiều người nói đến là anh Hồ Nhật Hà (sinh năm 1987, tại Phú Yên). Anh Hà vừa về đến Sài Gòn sau hành trình đi bộ xuyên Việt kéo dài 113 ngày đêm. Ngày 18/10/2017, anh xuất phát tại dinh Độc Lập TP.HCM. Ngày 8/2 vừa qua, anh đã có mặt tại điểm đến Lũng Cú, Hà Giang - hoàn thành chuyến đi xuyên Việt bằng đường bộ.
"Đến chặng cuối, mình còn dư một ít tiền nên bắt xe về Hà Nội. Từ Hà Nội, mình bay vào quê Phú Yên. Vé máy bay do một chị ở Sài Gòn tặng khi biết mình đã hoàn thành hành trình", anh Hà chia sẻ về cách anh di chuyển sau khi kết thúc chuyến đi bộ xuyên Việt.
Nhật Hà - người đi bộ xuyên Việt với mong muốn kiểm chứng tình người trong nhân gian. Bức ảnh được anh Hà chụp tại đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang).
Lên đường chỉ có 100k trong túi với mong muốn "kiểm chứng lòng người"
Anh Hà là người luôn trăn trở về thanh xuân cũng như những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, anh thấy trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video với nội dung tiêu cực về con người hiện đại (sống vô tâm, hôi của, dàn cảnh, đánh ghen...). Anh quyết tâm xách ba lô lên đường với mong muốn "kiểm chứng lòng người".
"Mình bắt đầu chuyến đi này với ba điều muốn kiểm chứng: Liệu con người có còn tình thương với nhau không? Liệu một người trẻ có thể thực hiện được ước mơ của họ mà không bị rào cản đồng tiền ngăn lại? Liệu mình có đủ sức mạnh, tinh thần để vượt qua thử thách cũng như học thêm nhiều bài học bổ ích từ chuyến đi này?", anh Hà chia sẻ.
Với quyết tâm đi tìm lời giải cho những câu hỏi của mình, anh Hà đã chinh phục hành trình 113 ngày đêm, với quãng đường dài 2.300 km bằng đôi chân của tuổi trẻ.
Hành lý theo anh Hà đi bộ xuyên Việt đơn giản đến bất ngờ, chỉ có 3 bộ quần áo, thuốc dự phòng đau ốm, 20 thanh lương khô, 1 cái vòng, 1 cây đàn guitar, điện thoại, camera hành trình, băng bông và sách.
"Mỗi người một lựa chọn, cái gì cũng có thú vị riêng. Với mình, chọn đi bộ để cảm nhận cuộc sống chậm lại, trải nghiệm đời sống người dân Việt rõ ràng hơn", anh Hà chia sẻ lý do chọn đi bộ mà không muốn di chuyển bằng những phương tiện khác.
Để thử thách mình ở mức tối đa, anh quyết định chỉ để 100k trong túi. Ngoài ra, anh có số tiền dự trữ là 1 triệu đồng trong ATM cho những trường hợp bất trắc xảy ra trên đường hoặc nếu không thể tiếp tục đi bộ sẽ dùng tiền này đón xe quay về Sài Gòn.
Anh Hà viết tấm bảng này khi đang ở Lagi (Bình Thuận), ngủ nhờ ở nhà chú Dinh.
Nhiều người hỏi anh rằng chỉ với 100k thì việc ăn uống, ngủ nghỉ sẽ như thế nào?
Anh Hà giải thích mình sẽ ưu tiên việc xin ở lại nhà dân dọc đường đi. Mỗi lần được ở lại nhà dân, anh sẽ được mời bữa tối và sáng sớm hôm sau. Anh chỉ lo phần ăn trưa khi đi trên đường. Những lúc không ngủ nhờ được ở nhà dân, anh đành ngủ ở ngoài trời: trại coi cá, trại thanh long, chùa, nhà thờ, cây xăng, nhà vườn và hai lần ngủ ở rừng dương, một lần ngủ ở chợ, hai lần ngủ ở nhà hoang.
Trên hành trình đi bộ xuyên Việt, anh Hà thường xin ngủ lại ở nhà dân.
"Trong quá trình đi bộ mình kết hợp kiếm thêm tiền nên số tiền 1 triệu đồng trong ATM hầu như không dùng đến. Mình có khả năng sáng tác nhạc và chơi đàn. Mọi người xem mình biểu diễn xong họ sẽ ủng hộ tiền. Bên cạnh đó, một số người biết về hành trình của mình cũng quyết định quyên góp tặng mình một số tiền vừa đủ để mình trang trải cho chuyến đi", anh Hà giải thích lý do mình có thể sống sót bằng ấy ngày trên đường chỉ với 100k.
Thức ăn chính của anh trong suốt vài tháng trên đường chỉ có bánh mì và mì trứng. Những lúc còn đủ tiền và chưa kiếm được nhà dân thì chàng trai ở homestay.
"Còn nhớ có lần mình ngủ lại một homestay ở Quảng Ngãi với mức giá 100k/đêm nhưng lúc thanh toán thì trong túi chỉ có 70k. Mình viết một bài hát về Quảng Ngãi và định ra công viên hát kiếm tiền. May sao lúc đó có một anh bạn ở Quảng Ngãi ra gặp và "giải cứu" mình nên cũng không cần phải kiếm tiền nữa", anh Hà vui vẻ nói thêm.
Anh Hà kiếm tiền bằng chiếc đàn guitar.
Anh Hà thức dậy sau đêm ngủ trên rừng dương ở gần khu du lịch Trung Lương, Bình Định.
Nhận được sự tri ân giúp đỡ của nhiều bạn bè khắp Tổ Quốc
Hình ảnh một thanh niên đi bộ, mang vác trên lưng đủ thứ đồ dùng khiến anh được những người dân đặt cho đủ thứ biệt danh trong suốt hành trình. Một người điên, một kẻ ăn mày, nghệ sĩ lang thang, kẻ bị vợ đuổi, người buôn bán hay kẻ lừa đảo.... Có nhiều người hồ nghi và cảnh giác cao độ trong lần đầu gặp anh Hà.
"Đôi khi ánh mắt cảnh giác của mọi người làm mình có cảm giác rất tổn thương nhưng mình luôn giữ niềm tin vào cuộc sống, vào tình thương mọi người dành cho mình. Nếu người ta nghĩ mình là kẻ xấu chỉ vì hành động lạ và vẻ bề ngoài của mình, mình cũng không thể đứng lên và tranh cãi, với mình khi đã đi thì nguyên tắc là: Chấp nhận hoàn toàn - Mỉm cười - Vượt qua", anh Hà chia sẻ.
Thời tiết khiến anh Hà gặp nhiều khó khăn, khi đã về đến nhà, anh vẫn còn ám ảnh cái nóng như sa mạc thiêu đốt cơ thể ở Bình Thuận, mưa dầm mưa dề cả ngày của miền Trung, cái rét thấu xương của miền Bắc.
Hành lý đơn giản của Hà.
Mỗi ngày trôi qua, anh Hà có thêm một kỷ niệm để nhớ. Đó là lần anh đặt chân đến mảnh đất Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh vào xin ngủ ở một nhà thờ, nhưng nhà thờ lại giới thiệu cho anh một nhà dân kế bên để nghỉ.
"Căn nhà đó ẩm thấp và hoang vắng. Bước vào mình thấy một chú nằm trên giường. Trò chuyện với chú mới biết chú không đi lại được và phải nằm một chỗ hơn 30 năm. Niềm vui mỗi ngày là được nghe tiếng kinh giáo đường và xem tin tức qua chiếc TV nhỏ. Điều đặc biệt là mình vào đúng dịp sinh nhật chú nhưng không có ai ở cạnh chú cả. Mình đã lôi cây đàn guitar ra và hát bài Happy Birthday tặng chú. Chú mời mình ăn bánh ngọt xem như bánh kem sinh nhật. Mình thực sự xúc động", anh Hà nhớ lại.
Trong chuyến đi xuyên Việt, anh đã nhận được sự tri ân giúp đỡ của nhiều bạn bè khắp Tổ Quốc. Đồng thời, anh cũng được nhiều bạn trẻ chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm để chinh phục những vùng miền mới.
Anh Hà selfie trước địa điểm quay phim Nhà của Pao tại Hà Giang.
Bên cạnh đó, anh Hà nhận ra việc rèn luyện kĩ năng để dấn thân trên những chặng đường dài là vô cùng quan trọng. Kết thúc hành trình, anh đã tìm được lời đáp về tình người trong cuộc sống - điều đã thôi thúc anh thực hiện chuyến đi này: "Thế giới bên ngoài là tấm gương phản chiếu nội tâm mỗi chúng ta. Có những nơi trước khi đến mình bị nhắc nhở rất nhiều về vùng đó. Nhưng khi trải nghiệm mình mới thấy người Việt ở đâu cũng có người tốt. Họ giúp đỡ mình và vô cùng rộng lượng".
Chia sẻ câu chuyện này, anh muốn đánh thức giấc mơ của tuổi trẻ của chính mình, kiểm chứng tình người ở khắp mọi miền đất nước, truyền cảm hứng đi và sống cho nhiều bạn trẻ khác.
Anh Hà tập leo núi Bà Đen Tây Ninh trước chuyến đi, tình cờ gặp những bạn mới trên đỉnh núi.
Anh Hà khi ở cách thị trấn Gia Giát 16km, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.