Ngày 24/3, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản trả lời 21 câu hỏi của báo chí đặt ra cho lãnh đạo Hà Nội tại buổi họp báo trước đó.
Tối ngày 24/3, Báo điện tử Người đưa tin nhận được văn bản (số : 2366/SXD-KHTH ngày 24/3/2015 của Sở Xây dựng) trả lời của Sở Xây dựng Hà Nội mà trước đó PV đã đặt ra cho Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp báo về việc chặt hạ, thay thế cây xanh ngày 20/3.
Nội dung câu hỏi nêu: Nhiều chuyên gia nói cây vàng tâm được chọn để thay thế những cây bị chặt hạ là cây lâu năm, có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu lựa chọn này có hợp lí hay không?
Câu trả lời của Sở Xây dựng Hà Nội: Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần bảo tồn và phát triển.
Cây cao trung bình 25-30 mét, đường kính thân cây 70-80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt dày khoảng 1cm. Cành non, lá non, long tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5-17cm, rộng 1,5-6,5cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1-2cm, bao hoa màu nâu trắng. Trên thực tế, cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.
Giới chuyên gia khẳng định, nếu trồng cây vàng tâm thay thế cây bị chặt hạ thì phải rất lâu nó mới cho bóng mát.
Sau khi tiếp nhận văn bản trả lời của Sở Xây dựng, chúng tôi hết sức bất ngờ với câu trả lời. Có thể thấy, nội dung trả lời không đi vào trọng tâm câu hỏi mà PV nêu ra. Những điều mà Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chỉ cần dùng thao tác tìm kiếm trên công cụ Google là có thông tin chi tiết về cây vàng tâm. Thay vì Sở XD trả lời cây vàng tâm có phù hợp để thay thế cây bị chặt hạ hay không và tại sao lại được chọn để thay thế mà không phải là loại cây khác. Thì Sở XD lại đi mô tả về đặc điểm và đặc tính loại cây này.
Ngoài báo Người đưa tin, báo điện tử VTC cũng thất vọng không kém về câu trả lời của Sở XD.
Nội dung văn bản: “Câu hỏi: Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây là dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?
Trả lời: Các đơn vị cung ứng cây là đơn vị có loài cây phù hợp với quy định của thành phố về chủng loại, chất lượng cây. Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu đảm bảo theo đúng quy định. Việc cải tạo, thay thế cây không phải dự án, đây là việc làm thường xuyên, hàng năm theo kế hoạch nên việc thực hiện tới đây phải tuân thủ theo đúng quy định.”
Trên VTC đưa, như vậy, nhìn vào nội dung văn bản nói trên có thể thấy, Sở Xây dựng không trả lời rõ là những đơn vị cụ thể nào đã cung ứng cây. Sở Xây dựng cho biết nghiệm thu theo đúng quy định nhưng không rõ quy định là như thế nào.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cho rằng, việc chặt hạ thay thế cây vừa qua “không phải là dự án” mà là “việc làm thường xuyên”. Đặc biệt, Sở này khẳng định, “việc thực hiện tới đây phải tuân thủ theo đúng quy định”.
Có thể nói, trong khi những người đứng đầu thành phố đều cho biết việc cải tạo, thay thế cây xanh nói trên là “đề án” thì Sở Xây dựng lại coi đây là “việc làm thường xuyên”. Khi Sở Xây dựng tiến hành công việc “thường xuyên” này thì hình ảnh nhiều cây xanh “hoàn hảo” bị đốn hạ không thương xót đã được đông đảo người dân cùng phóng viên báo chí ghi lại. Nếu công việc “thường xuyên” này vẫn được tiến hành trong thời gian sắp tới thì quả là nguy hiểm.
Cũng cần phải nói thêm, hơn 21 câu hỏi của một số phóng viên, nhà báo đưa ra tại buổi họp báo do ông Nguyễn Quốc Hùng chủ trì hôm 20/3 tại trụ sở UBND TP Hà Nội cũng là thắc mắc chung của đại diện hàng trăm cơ quan báo đài có mặt tại hội trường hôm đó. Thậm chí, đây cũng có thể coi là những câu hỏi mà các cơ quan chức năng của Hà Nội cần phải trả lời nhân dân cả nước.
Rất nhiều cơ quan báo chí mong muốn nhận được văn bản tổng hợp toàn bộ 21 câu hỏi và 21 câu trở lời của Sở Xây dựng. Nhưng cách mà Sở Xây dựng trả lời như trên thì thật thất vọng.
Trước đó, khi chỉ đạo tạm dừng Đề án cải tạo, thay thế cây xanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng phê bình các đơn vị liên quan là công tác tuyên truyền quá kém. Ông yêu cầu phải tiếng hành rà soát lại đề án, thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong văn bản yêu cẩu Sở Xây dựng trả lời báo chí, UBND nhân dân Hà Nội nêu rõ: “Để giải đáp, làm rõ những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25/3/2015.”
Tuy nhiên, với việc 21 câu hỏi bao gồm những vấn đề chung mà hàng trăm cơ quan báo chí và người dân cả nước quan tâm, Sở Xây dựng lại tách từng câu hỏi nhỏ để trả lời từng báo theo kiểu “ai đặt câu hỏi thì trả lời, không hỏi thì thôi” như vậy thì liệu thông tin về đề án cải tạo, thay thế cây xanh này có được “thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch” hay không? Đó là chưa kể đến nội dung trả lời rất “chung chung” của Sở Xây dựng Hà Nội.
Trong một diễn biến liên quan, căn cứ vào câu trả lời trên, có thể thấy Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng: Cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm. Tuy nhiên, hàng loạt các chuyên gia đã trực tiếp lấy mẫu cây này về kiểm tra. Qua đó khẳng định, cây trồng trên đường này hoàn toàn chỉ là cây mỡ thông thường.
Cây vàng tâm (ảnh trái) và cây mỡ (phải).
Tại hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” chiều ngày 23/3, TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam cho biết: “Chắc chắn đó là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm. Mà là cây mỡ bình thường, gỗ không tốt đâu, nó là nguyên liệu trồng để làm giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, đường kính 20cm đã cưa rồi. Bộ lá của nó thưa, nó không thể thích hợp ở đây được. Tôi dự đoán khả năng chết rất cao, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hà Nội có lúc nắng nóng tới 40-45 độ thì khả năng chết rất cao.”
Trước đó, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ và cây quý sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh khẳng định, loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây mỡ. Loại cây này cùng họ thực vật với cây vàng tâm nhưng khác chi.
GS. Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Anh Hiệp là chuyên gia trong lĩnh vực này thì nói chính xác rồi. Tôi thì cho rằng 10 năm nữa nó cũng chắc chắn không có bóng mát đâu, bởi cành nó bằng ngón tay thôi. Chúng ta không nên quan tâm hàng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay mỡ, bởi cả 2 loại cây này đều không phù hợp để làm cây xanh ở Hà Nội".
Đức Thuận