Thời gian gần đây, lượng ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các ca nhiễm có triệu chứng nhẹ đều được điều trị tại nhà. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu điều trị tại nhà thì có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian nghỉ việc để chữa bệnh hay không?
Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người ốm đau sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm nếu bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc để điều trị và phải có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.
Dù không có quy định, hướng dẫn mới về chế độ bảo hiểm xã hội cho F0 nhưng nếu trong thời gian điều trị tại nhà thì các F0 cần có giấy chứng nhận nghỉ việc. Riêng đối với những trường hợp đi điều trị tại bệnh viện thì cần phải có bản chính hoặc bản sao giấy ra viện.
Theo đó, những giấy tờ này người lao động sẽ chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau của BHXH.
Đặc biệt, F0 muốn hưởng chế độ ốm đau thì phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định.
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Nếu người bệnh cần nghỉ trên 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy đã được cấp thì người bệnh phải tiến hành tái khám để được xem xét thêm.
Sau khi hoàn thành cách ly và điều trị tại nhà thì người lao động là F0 cần phải liên hệ đến trung tâm y tế để xin giấy xác nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của Bảo hiểm xã hội, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội. Thời gian trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Nếu chậm hơn thời gian quy định khiến doanh nghiệp nộp chậm đến cơ quan Bảo hiểm xã hội thì phải có giải trình bằng văn bản về nguyên nhân nộp chậm.
Đối với những F0 không có triệu chứng và vẫn làm việc trực tuyến được doanh nghiệp cho phép thì có thể vận dụng theo quy chế trả lương của đơn vị và nguồn trả sẽ do đơn vị đó tự chi trả.