(Tinmoi.vn) "Vụ chìm phà ở Hàn Quốc nhắc nhở Việt Nam phải học các bài học qua thất bại. Đây cũng là yêu cầu của Tổ chức Hàng hải quốc tế nhưng mình đã bỏ qua, không làm đúng", chuyên gia tàu biển Đỗ Thái Bình nói.
Trao đổi với phóng viên về vụ chìm phà ở Hàn Quốc ngày 16/4, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) cho rằng, vấn đề ở đây là mất ổn định chứ không phải cấu trúc tầu. Diễn biến của thuyền bị lật sau khi nghiêng thường rất nhanh.
“Một thuyền bị lật diễn biến rất nhanh. Lúc đầu chỉ là nghiêng nhỏ nhưng khi các ô tô xô lệch sang một bên thì tàu nghiêng rất là nhanh. Ở Việt Nam cũng xảy ra rất nhiều vụ nghiêng tàu rồi bị chìm”, ông Bình nhận xét.
Bình luận về cách xử lý tình huống khi phà bị nghiêng của trưởng lái, theo ông Bình cách xử lý ban đầu của thuyền trưởng khi ra lệnh cho hành khách ngồi im cũng có lý nhưng lại bất cập trong khâu xử lý sau đó.
Ông Bình phân tích: “Lúc tàu bắt đầu nghiêng, tàu trưởng lo lắng nên ra lệnh ngồi im là cũng có lý nhưng chỉ nên duy trì trong một thời gian ngắn sau đó lẽ ra phải nhạy bén hơn. Khi thấy tình hình không thay đổi thì phải xử lý nhanh theo hướng khác. Nhất là khi trung tâm cảnh báo là lẽ ra phải quý từng phút nhưng lại không tranh thủ xử lý mà đánh mất 40 phút quý báu. Lúc đó, nếu không đưa người đi thì cũng phải phải kéo hết lên mặt bom để có gì thì thoát ra ngoài được nhưng ở đây lại giam ở các phòng trong nhất là các phòng ở tầng 3 tầng 4 mới bị chết kẹt hết ở dưới. Một sai lầm khó hiểu trong vụ việc này nữa là các ô tô không được chèn chặt bởi ai cũng biết độ xô của chúng rất nhanh khi chiếc phà bị nghiêng”.
Liên hệ đến vấn đề an toàn hàng hải ở Việt Nam, ông Bình cho biết, trong nước hiện không có loại phà lớn như trong vụ chìm phà ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, những vụ tai nạn lật tàu do mất ổn định đã xảy ra nhiều. Điều đáng nói nhất sau các vụ tai nạn đó là ở Việt Nam không có thói quen lập hồ sơ án lệ và không học những bài học qua thất bại.
"Ở các nước khi xảy ra các vụ lật tàu, đắm tàu phải lập hồ sơ để cung cấp cho các tòa án, các trường để giảng dạy, đem ra bàn luận ở các hội nghị trung ương tức là án lệ đó được đem ra mổ xẻ kỹ lưỡng nhưng ở Việt Nam không có chuyện này. Tất cả các vụ tai nạn không được tập kết, thống kê hóa. Cái này cực kỳ nguy hiểm, chúng ta không học qua thất bại", ông Bình bất bình.
Cũng theo ông Bình, vì không có hồ sơ cụ thể về quá trình các vụ tai nạn hàng hải nên các chuyên gia như ông cũng không thể phân tích được cặn kẽ các nguyên nhân của từng vụ việc.
"Đáng lẽ nguyên tắc chung là phải có tài liệu hết các vụ này. Các vụ đắm tàu phải thành án lệ, thành tài liệu nghiêm túc ở tất cả các hội nghị, các trường dùng để giảng dạy.
Vụ chìm phà ở Hàn Quốc vừa qua là bài học nhắc nhở Việt Nam phải học các bài học qua các thất bại. Đây cũng là yêu cầu của tổ chức hàng hải quốc tế nhưng mình đã bỏ qua, không làm đúng. Tức là phải điều tra tai nạn theo đúng yêu cầu của tổ chức hàng hải quốc tế , để rút kinh nghiệm, đặc biệt là để hoàn thiện luật hàng hải của một nước, của thế giới. Sau vụ chìm phà ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ có nhiều điều luật bổ sung giống như vụ chìm pha ở Phần Lan cách đây gần 10 năm làm chết rất nhiều người", ông Bình nói thêm tính quan trọng của việc lập hồ sơ các vụ chìm tàu, thuyền và học từ những thất bại.
Trước đó, chiếc phà Sewol bị chìm vào ngày 16/4 với 476 hành khách. Đến ngày 22/4, chính quyền Hàn Quốc xác nhận đã có 104 người chết và 198 người mất tích.
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định do bị bẻ lái đột ngột khiến tàu bị nghiêng và khâu xử lý sau đó bị chậm trễ, sai lầm.
H.Minh