Theo đó, Bộ Công thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc giảm 10% giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm so với Quyết định số 648/QĐ-BCT cho khách hàng sản xuất và kinh doanh.
Giảm 10% tiền điện sinh hoạt so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng).
Điều chỉnh giảm giá điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ, xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu thực hiện giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; giảm 20% tiền điện cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Với các giải pháp hỗ trợ này, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. EVN giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch Covid-19 khoảng 100 tỷ đồng.
Để bảo đảm đúng đối tượng, thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch Covid-19, Bộ Công Thương sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện.