Cách chọn vải thiều dày cùi, ngọt lịm và không sâu đầu
Vải đầu mùa thường ít bị sâu đầu, vì vậy mua vải sớm cũng là một cách để bạn chọn được vải ngon. Bên cạnh đó, để chọn được quả vải ngon, ngọt, dày cùi không bị sâu có thể nhận biết qua cách quan sát lớp vỏ. Nên chọn những chùm vải có phần cành vẫn dẻo và lá còn tươi nguyên, đây là dấu hiệu để nhận biết vải tươi mới hái. Những chùm vải héo, cành giòn và gãy dập là những quả vải đã được hái khá lâu, hoặc bị tiếp xúc với nắng mặt trời nhiều.
Vải chín tới sẽ có màu đỏ hồng, quả tròn đều. Thông thường vải thiều sẽ có quả nhỏ hơn vải lai. Vải lai quả thường to, dài hơn và màu cũng đỏ thẫm hơn, khi vải chín phần gai sẽ nhẵn; gai càng nhiều, càng nhọn quả vải còn xanh ăn sẽ chua.
Ngoài việc quan sát bằng mắt, mọi người có thể sờ tay để cảm nhận đâu là vải ngon. Với những quả vải sờ vào mềm có độ đàn hồi là vải tươi ngon, ngược lại nếu mềm quá vải có thể bị để quá lâu, ăn không còn ngon.
Nhiều người cũng chọn cách ăn thử để biết được đâu là vải ngon, cách chọn này khá chính xác và thậm chí chiều được sở thích của khách hàng. Khi tách quả vải thấy phần hạt nhỏ, cùi trắng, màu trong và mọng, dễ tách hạt là vải ngon. Nếu như quả khó tách, hạt to và cùi nhão thì không nên chọn.
Vải chín ngon sẽ có mùi thơm đặc trưng dù hương không quá đậm như mít hay sầu riêng. Một mùi hương thơm nhẹ, hết hợp với mẫu mã tươi đẹp là một chùm vải ngon. Nếu mùi chua hoặc lên men như rượu thì không nên chọn vì vải không ngon hoặc đã bị chín quá.
Cách bảo quản quả vải lâu vẫn giữ được độ thơm ngon
Vải là một loại quả chín nhanh nên cũng nhanh hết mùa, thậm chí hái xuống hôm trước hôm sau vải đã đổi màu. Vì vậy việc bảo quản vải như thế nào để ăn được lâu mà vẫn ngon được nhiều người quan tâm.
Đối với việc bảo quản vải tươi, các gia đình có thể cho vải vào túi zíp để giữ độ tươi ngon trong vài ngày. Hãy cắt rời từng quả để lại cuống, rửa sạch để ráo nước và chia vào từng túi zip để ăn dần trong tuần.
Ngoài ra, có thể bảo quản bằng giấy báo hoặc hộp, muốn bảo quản vải được lâu nhất không nên rửa vải mà để khô. Vải khi bảo quản bằng cách này vẫn có thể bị hấp hơi gây hư hỏng nhưng tổng thể vẫn có thể giữ được độ tươi ngon. Nếu như không có hộp, các gia đình có thể dùng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm thay thế song chúng không gọn và cũng không bảo vệ môi trường.
Để ăn vải được lâu hơn có thể bảo quản bằng cách đưa vải vào ngăn đá tủ lạnh, để cả quả hoặc bóc vỏ tách hạt đều được. Nếu có máy ép chân không có thể tách bỏ, cất túi và hút sạch không khí cho vào tủ lạnh để ăn quanh năm.
Sấy hoặc phơi vải, ngâm nước vải cũng là những cách có thể thưởng thức mùi vị của trái vải quanh năm, tuy nhiên trừ cách ăn tươi thì tất cả các cách bảo quản còn lại đều sẽ không còn giữ được độ tươi ngon và thơm được như ban đầu.
Các món ăn từ quả vải
Nước ép vải, sinh tố vải, chè vải, trà vải hoa hồng, trà mận vải, hồng trà vải, chè hạt sen vải, thạch vải, sữa chua vải, kem vải...
Ảnh: Tổng hợp