Chuyến đi biển định mệnh đã cướp đi sinh mệnh của 11 người. Sau tiếng nổ lớn phát ra từ boong, 18 người bị hất tung xuống biển, tàu cá chìm nhanh chóng.
Thất thểu rời tàu cứu hộ SAR 413 với những bước chân nặng nề, người đàn ông có làn da cháy nắng che mặt khóc nức nở, chiều 19/9. May mắn là người sống sót, song thuyền viên Trần Văn Khoa (45 tuổi, quê Sóc Trăng) cùng lúc mất em ruột và con trai trong vụ nổ bình gas trên tàu cá tại vùng biển Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi ngành chức năng bàn giao thi thể 11 ngư dân xấu số cho người nhà, ngư dân Khoa được mời lên chia sẻ tâm tư nhưng ông không nói nên lời. Có những lúc ông toan đứng dậy để nói nhưng rồi lại cúi mặt xuống khóc nức nở.
Ông Trần Văn Khoa (ở giữa) là một trong những người còn sống sót. Ảnh Zing.vn |
Giọng đứt đoạn, ông cho biết trên báo Trí thức trực tuyến, rạng sáng 16/9 ông cùng thuyền viên Nguyễn Văn Diện (20 tuổi) và Hoàng Văn Đoàn đang kéo neo trên mũi tàu thì một tiếng nổ vang dội phát ra từ boong, nhiều người bị hất văng xuống biển. Do ba người đứng ở xa nên chỉ bị thương nhẹ. Tàu chìm gần như ngay lập tức.
Sóng đánh mạnh, trời tối om. Họ đang cố bám vào phao lưới thì phát hiện anh Huỳnh Vũ Linh nổi dập dềnh. "Nó bị bỏng khắp mặt, sức yếu nên sóng cứ đánh bật ra khỏi phao. Mỗi lần như vậy tôi đều bơi ra kéo vào nhưng đến sáng nó bị cơn sóng mạnh cuốn mất. Tôi có lỗi", ông Khoa ôm đầu, nức nở.
Thất thần ngồi cạnh bên, Diện nói rằng cả ba bám vào phao lưới rất lâu, hy vọng có tàu cá đi ngang sẽ nhìn thấy mà cứu. Cứ mỗi tiếng trôi qua sức họ càng yếu, tưởng chừng sẽ buông tay chìm xuống biển. "Mọi người động viên nhau phải ráng sống để trở về", Diện cho biết.
Sau 15 giờ vật lộn với sóng gió, họ nhìn thấy thuyền đánh cá từ xa. Là người khoẻ nhất, ông Khoa quyết định bơi đến đó báo tin rồi quay lại cứu Diện và Đoàn. Nhưng một lúc sau 2 người này được tàu cá khác vớt lên.
Sau 4 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể 11 ngư dân, 4 người khác vẫn mất tích.
Có mặt tại bến tàu Trung tâm III (TP Vũng Tàu), ông Huỳnh Văn Tới (ngụ huyện Trần Đề, Sóc Trăng) không cầm được nước mắt khi hay tin em trai không nằm trong danh sách ngư dân được cứu.
“Nó bảo nghề đi biển nhiều rủi ro nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận, đến chuyến thứ 2 thì xảy ra tai nạn. Nó ra đi, để lại 4 người con, gia cảnh vốn đã khó khăn nay lại trở nên bi đát”, ông Tới buồn bã.
Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Bẻo (62 tuổi) như không còn sức sau ba ngày khóc thương chồng và con trai. Khi các thi thể trong bao nylon được đưa lên, gương mặt khắc khổ của bà lại rúm ró.
Bà cho biết trên báo Vnexpress, hai bố con đi biển, bà Bẻo ở nhà với con dâu và cháu nội 9 tuổi. Sáng hai hôm trước nhận tin dữ, mẹ con bà cùng 5 gia đình có người bị nạn ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tức tốc thuê xe lên Vũng Tàu ngóng tin. Hôm qua bà nhận được tin tìm thấy xác con trai, còn chồng vẫn mất tích.
Bà cho biết, vài ngày trước lúc tai nạn chồng bà gọi điện về hỏi thăm. "Ông ấy dặn đừng đi làm mướn, vài bữa nữa về sẽ có tiền chữa bệnh cho tôi. Nay con tôi mất rồi, chồng thì không tìm thấy. Nếu biết thế này thà rau cháo qua ngày, chứ kiếm tiền chi mà khổ quá", bà mếu máo.
Trong lúc nhiều người kéo ra bến cảng nhận thi thể người thân thì anh Huỳnh Văn Kiệt (quê Trà Vinh) thẫn thờ một mình giữa cầu cảng với nén nhang trên tay. Dù anh trai Huỳnh Vũ Linh nằm trong số 4 người chưa tìm thấy, nhưng nam thanh niên vẫn từ quê ra đợi tin. "Hồi trước anh ấy làm mướn ở Sài Gòn, ít tiền. Nghe bạn bảo đi biển kiếm được nhiều hơn nên anh theo. Nhà nghèo, lần nào về ảnh cũng mua cái này cái kia cho anh em, ba mẹ", Kiệt rưng rưng.
Tại buổi lễ bàn giao thi thể 11 ngư dân tử nạn, ông Phạm Hiểm, Giám đốc trung tâm III cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm 4 ngư dân mất tích. “Chúng tôi mong 4 ngư dân còn lại đang sống sót, được tàu nào đó cứu”, ông Hiểm nuôi hy vọng.
Bà Phạm Thị Ngọc (ngụ phường 2, TP Vũng Tàu), chủ tàu cá BV 97799 TS cho biết, khi xảy ra sự cố, bà đã phối hợp cùng lực lượng chức năng xác định tọa độ con tàu, tổ chức tìm kiếm. Trong số 18 thuyền viên trên tàu gặp nạn, nhiều người là nhân công làm việc lâu năm.
“Từ lúc xảy ra tai nạn, tôi không tài nào chợp mắt. Hiện, tôi cùng gia đình các thuyền viên tổ chức khâm liệm, mai táng. Các thuyền viên đều có bảo hiểm và việc bồi thường sẽ được giải quyết trong thời gian tới", bà Ngọc chia sẻ.
Trong ngày 19/9, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có mặt tại bến tàu Trung tâm III để chỉ đạo công tác bàn giao thi thể ngư dân. Ông cũng thăm hỏi, động viên và gửi lời chia buồn đến thân nhân những ngư dân xấu số.
Thu Trang (Tổng hợp)