30 năm trên sân khấu, Kim Sa là “bà hoàng” của những đêm hội lô tô. Cuối đời, bà lại chẳng còn gì trong tay: nhà cửa không, tiền bạc không, con cái không. Vậy mà, Kim Sa vẫn tự nhận mình may mắn hơn nhiều phận “bê đê” khác, bởi còn có một người bạn tri kỷ đến cuối đời.
"Chờ ổng về hả Hai?"
"Ờ, hổng biết nãy đi có cầm áo mưa hông nữa, lo quá."
16h. Sài Gòn đột ngột đổ mưa. Mưa lộp độp trên lớp tôn cũ mang theo cả những lần bà Hai xuýt xoa, ngoái đầu ra cửa đợi chờ. Bà Hai chờ bà Sa (người mà được mọi người gọi là ông Sang) về.
Cô đào Trang Kim Sa: Hào quang thời thanh xuân và những ngày cuối đời cơ cực
Nhờ mưa, bà Sa được bữa về sớm. Bà gói cẩn thận cọc vé số dày cộm trong chiếc áo mưa mỏng manh, mình trần đi về. Bộ đồ cũ nhăn nhúm với chiếc quần cộc kéo quá đùi đã ướt sũng.
Hôm tôi ghé, hỏi thăm người dân ở con hẻm nhỏ ở đường số 13, quận Thủ Đức nhưng chẳng ai rõ về cô đào Trang Kim Sa. Người ta chỉ biết "ông Sang vé số", đó là cái tên người ta hay dùng để gọi người đàn bà chuyển giới 74 tuổi ngày ngày bán vé số dạo ở ngoại ô Sài Gòn này.
Là người chuyển giới nữ nhưng sợ bị kỳ thị, bà Sa vẫn để mọi người nhìn nhận mình như một người đàn ông.
"Ở đây, họ còn kỳ thị lắm, nói ra mắc công cười nhạo. Thôi bỏ…", bà Sa giải thích.
Thoạt nhìn, nếu không vì chất giọng trầm đục, tôi chẳng mấy nhận ra bà Kim Sa là đàn ông. Bà đẹp. Từ khuôn mặt trái xoan, trắng như bông bưởi đến đôi cánh mũi cao, miệng trái tim chúm chím. Đặc biệt, là đôi mắt sâu thăm thẳm, lúc nào cũng buồn buồn. Ở cái tuổi thất tuần lại càng sắc sảo, mặn mà.
"Thời trẻ còn đẹp nữa". Bà cười. "Mà người ta soi mói lắm, bà phải giấu, đi nghĩa vụ quân sự về lại làm xí nghiệp, lang thang đủ nghề kiếm sống. Nhưng thèm thành con gái quá biết sao, cũng bỏ hết nhảy xe theo lô tô thôi".
Đó là những năm Kim Sa ba mấy tuổi, ở cái tuổi mà bà bảo là "giả gái" đẹp nhất!
Hôm bà bỏ Sài Gòn đi, bàn thờ của ba má vẫn còn chưa ai trông. Bà ra tận miền Bắc. Ở một miền sơn cước nào đó, bà tên Kim Sa, đêm đêm "cháy hết mình" trong những gánh lô tô nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ.
"Bê đê thời đó ít lắm, có mấy đoàn như Hải Đăng, Mây Trắng… thôi. Được cái chị em sống với nhau tình cảm như gia đình. Cứ ngày ngủ gầm, hằng đêm lại phấn son để kêu cờ. Sơn La, Điện Biên, Hà Giang… nơi nào cũng đã đi qua rồi" – bà nhớ lại.
Chắt chiu gần chục năm đi hát, Kim Sa quyết định chuyển giới khi đã hơn 30. Đó là cơ hội duy nhất để làm con gái bằng da bằng thịt. Bà nói: "Thời đó đâu hiện đại như bây giờ, cứ mua thuốc về, chị em tự làm cho nhau. Xăm chân mày, bơm ngực, sửa mũi, gì cũng làm được".
Sau những buổi đi bán vé số, cô đào Trang Kim Sa lại trở về căn nhà nhỏ nơi có bà Hai cùng chú chó nhỏ bầu bạn.
Trời về tối, mưa lạnh hơn lúc chiều. Trong những lần mưa tạt qua bậu cửa sổ buốt rát, tôi nghe giọng bà Sa lạc đi lúc kể về 30 năm theo gánh hát. Tôi chợt nghĩ về một vùng quê xa lạ, những cô đào "bóng gió" nửa thế kỷ trước như bà Sa đã từng sống như thế.
Thi thoảng, họ nghĩ về gia đình, cảm thấy có lỗi với mẹ cha nhưng rồi tự an ủi nhau. Đêm đêm, họ cùng kêu cờ, "mua vui" cho gánh lô tô, một vài khách thương phận bọt bèo của họ mà mua hộ tấm vé.
"Con số gì ra, con số gì ra/ Cờ ra con mấy, con số gì ra/ Chúc Anh Đài là gái giả trai, con ba mươi hai/ Tình chỉ đẹp khi còn say đá, con ba mươi ba" – bà Sa hát, giọng đứt quãng, nghe mùi và cay đắng lắm.
Người đời có quay lưng thì vẫn còn đó một tri kỷ
Nếu không đột quỵ, liệt nửa người, giờ Trang Kim Sa vẫn đang rong ruổi theo một đoàn lô tô tỉnh lẻ nào đó. Tôi nghĩ vậy. Lúc về lại Sài Gòn, chẳng còn gì trong tay: nhà cửa không, tiền bạc không, con cái không. Còn mỗi người bạn không rõ họ tên, bà hay gọi là Hai.
Bà Hai - người bạn gắn bó bên cô đào Trang Kim Sa
Bà Hai ở độ lục tuần, tóc cắt ngắn bạc nửa đầu và cũng có một đôi mắt buồn buồn như Kim Sa, ẩn hiện sau cặp kính lão dày cộm. "Bà với ổng là bạn lúc nhỏ luôn, hồi đó hai nhà chung vách" – bà Hai bảo.
Mấy lần Kim Sa đi lính, bà Hai vẫn một mình băng rừng lên thăm nuôi. "Ổng hay ngại, trách lên thăm gì lên hoài, mà hôm nào thơ về cũng bảo thèm chà bông. Chả có lời yêu thương nào. Lâu lâu gửi về cho già mớ măng le rừng, đắng nhưng ngon lắm."
Bà Hai lúc nào cũng chăm lo "chăm cho ổng bữa ăn"
30 năm Kim Sa biền biệt theo lô tô, lúc về lại Sài Gòn thì đã liệt một bên người. Mặc chị em trong nhà cấm, bà Hai vẫn dọn về ở chung, "chăm cho ổng bữa ăn" – bà gỏn lọn.
"Chiều hôm đó, bà còn đang hì hục rửa chén thuê, con Út chạy qua trách sao để ông Sang đi bán vé số. Bà bỏ việc, vừa đạp xe về vừa khóc. Nhưng ổng quyết quá, bà cũng đành chịu cho đi bán."
5h sáng, cả hai lại chia nhau đi làm. Bà Hai dậy sớm nấu nồi cơm, kho mớ cá mặn. Bà cũng đi "ở đợ" cho nhà người ta hơn 30 năm, kiếm thêm chút đỉnh tiền gọi là "cơm rau" cho hai người. Bà Sa thì bán vé số. Mấy hôm Sài Gòn đột ngột đổ mưa lớn, con đường về nhà lấp loáng những ụ gà đầy nước, bà Hai vẫn hay lo lo.
"Sao Hai hổng gọi bà Sa, mà cứ kêu ông Sang hoài vậy?" – tôi thắc mắc.
"Với tao, ổng vẫn là con trai." – bà cười hì hì.
Tối tràn về con hẻm. Xong mâm cơm, hai bà già ngồi trên chiếc ghế xếp, xem đi xem lại một bộ phim truyền hình dài tập. Từ chiếc ti vi hột mè treo lủng lẳng chiếc loa cũ kêu lên the thé. Lâu lâu, bà Sa thèm nghề liền hát một đoạn, bà Hai nghe chữ được chữ mất lọt giữa những lần diễn viên nói. Bà khóc.