Sáng 31/7, Bộ Y tế vừa công bố 45 ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng. Những bệnh nhân này có độ tuổi từ 27 - 87, trong đó có 33 trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp tại khách sạn thu dung cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (quận Sơn Trà), và 2 trường hợp tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ.
Trước đó, sáng 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19 (Nhóm) - Bộ Y tế.
Theo phân tích của Nhóm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, dù có một số ca COVID-19 ngoài cộng đồng nhưng 'ổ dịch' lớn nhất cần tập trung là cụm 3 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Điều chỉnh và Phục hồi chức năng. Trong các bệnh viện này lại tập trung ở một số khoa.
Nhiều dữ liệu đã được Nhóm phân tích trong đó có các dữ liệu về xét nghiệm những người có triệu chứng tại các cơ sở y tế ở các địa phương. Ví dụ tại BV Bạch Mai từ ngày 4/5 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 320 ca có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Riêng từ ngày 1/7 đến nay đã xét nghiệm là 138 ca. Kết quả âm đều âm tính với COVID-19…
Nhận định này rất quan trọng vì một khi xác định là dịch từ Đà Nẵng thì chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng, còn các địa phương khác thì tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng.
Ngược lại, nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương thì cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.
Nhận định về tình hình hiện tại ở Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng, tình trạng khá tương đồng với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đây. Nhóm dự báo, trong vài ngày tới đây có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới 'ổ dịch' này.
Ông Nguyễn Thế Trung - thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử, Phó trưởng nhóm cũng nhận định: Kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng. Thứ hai, ổ dịch tại khu 3 - Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khá giống với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.
"Điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bệnh viện Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Việc giải tỏa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai làm nhanh hơn", các chuyên gia nhận định.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế) cũng cho biết: Tình hình diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn ra khá trùng với các dự báo. Kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ cho thấy nhiều khả năng đầu tháng 7 dịch mới phát ở Đà Nẵng, bởi kết quả xét nghiệm những ca có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa đến Đà Nẵng đến nay đều âm tính.