Không chỉ "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, nhiều trường đại học lớn trên thế giới còn nghiên cứu tiểu thuyết văn học "Số Đỏ" của Vũ Trọng Phụng.
Chắc hẳn không ai trong chúng ta là không biết đến nhân vật Chí Phèo - Thị Nở nổi tiếng trong tác phẩm truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, trong đó Chí Phèo là hình ảnh một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội đương thời.
Nhân vật này lại càng sống động hơn trong bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" (năm 1982) mà diễn viên Bùi Cường đã lột tả một cách vô cùng chân thực và cảm xúc.
Từ văn học bước ra đời sống xã hội, cái tên Chí Phèo từ đó còn trở thành cụm từ để ám chỉ những mẫu người hay ăn vạ, hung dữ, không kiểm soát được lý trí, nát rượu, hay chửi bới...
Tác phẩm "Chí Phèo" không chỉ thành công ở góc độ văn chương mà còn mang một giá trị nhân văn, nhân đạo, lịch sử sâu sắc, đã được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11 tập 1 từ khá lâu, cũng như trở thành đề thi đại học của nhiều năm.
"Chí Phèo" trong mắt nhiều trường ĐH lớn trên thế giới
Không chỉ nước ta, nhiều trường đại học lớn của nước ngoài cũng đánh giá cao giá trị của tác phẩm "Chí Phèo"
NXB Đại học Oxford là một trong những nhà xuất bản lớn nhất trên thế giới, lâu đời thứ hai sau Đại học Cambridge, từng xuất bản tuyển tập "The light of the capital: Three modern Vietnamese classics".
Trong tuyển xuất hiện các tác phẩm nổi tiếng của các tác giả hàng đầu của văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ 20 như Vũ Trọng Phụng (Cơm thầy cơm cô), Nam Cao (với truyện ngắn Chí Phèo), Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu) hay Tam Lang (Tôi kéo xe)...
Chí Phèo được dịch sang tiếng Pháp với tên "Chi pheo, paria casse-cou: et autres nouvelles" và được một số ý kiến so sánh với "Những người khốn khổ" của văn hào Pháp Victor Hugo.
"Chí Phèo" là tài liệu tham khảo trong một luận văn tiến sĩ của Đại học Victoria (Úc).
Tại trường Đại học Victoria (Úc), tác phẩm "Chí Phèo" (trong cuốn sách có tên "Chi Pheo and other stories, Hanoi: Foreign Languages Publishing House", 1983, Đại học Michigan) được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong luận văn tiến sĩ có tiêu đề:Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship between Literature and Politics.
Cuốn sách "Chi Pheo and other stories" cũng xuất hiện trong thư viện của trường đại học danh giá Stanford (Mỹ).
Một trường đại học khác của Úc là Đại học Tây Úc cũng sử dụng tác phẩm "Chí Phèo" làm tài liệu tham khảo luận văn tiến sĩ có tiêu đề: Translation of Temporal and. Aspectual Information in Literary. Texts between Vietnamese and. English).
Ngoài ra, tại Đại học Duke, Durham, Bắc Carolina (Mỹ), cũng xem tác phẩm này là tác phẩm kinh điển khi tham khảo nó dưới góc độ lịch sử, chính trị trong nghiên cứu có tựa đề: The Politics on the Border War against China in post-Cold War Vietnam.
Tại Trung Quốc, một số luận văn, nghiên cứu cũng so sánh "Chí Phèo" với "AQ chính truyện" ở một số điểm tương đồng.
Một luận văn nghiên cứu so sánh về hai tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) và AQ chính truyện (Lỗ Tấn). Ảnh chụp màn hình, nguồn Dissertationtopic.net.
Không chỉ "Chí Phèo", nhiều trường đại học ở Mỹ còn nghiên cứu tác phẩm văn học "Số Đỏ" (Dumb Luck) của Vũ Trọng Phụng
Sử gia Peter Zinoman và nhà ngôn ngữ học Nguyễn Nguyệt Cầm (cả 2 đều nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley, Mỹ) đã nghiên cứu, phối hợp với nhau để dịch tác phẩm này sang tiếng Anh.
Giáo sư Zinoman cho biết ông quyết định chuyển tác phẩm này sang tiếng Anh nhằm giới thiệu với nền văn học phương Tây về một nhà văn hiện thực phê phán mà ông vô cùng ngưỡng mộ khi lần đầu tiên đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng năm 1989 khi làm đề tài tiến sĩ tại Hà Nội.
"Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng có sức chinh phục nghệ thuật rất lớn" - Peter Zinoman cho biết.
Khi đó ông đã lục tìm tất cả những tài liệu liên quan đến Vũ Trọng Phụng tại thư viện Quốc gia Pháp, quá trình nghiên cứu giúp ông phát hiện thêm 2 thiên phóng sự là "Vẽ nhọ bôi hề" và "Hải Phòng 1934" mà ngay cả các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng... chưa từng biết đến!
Ông cũng chính là người đưa bản chụp hai tác phẩm này quay trở lại Việt Nam sau đó.
Ông thậm chí còn so sánh nhà văn của Việt Nam vốn nổi tiếng là "cây bút phóng sự hàng đầu đất Bắc những năm đầu thế kỷ 20" với tác giả vĩ đại George Orwell - là một trong những ngòi bút của Anh được hâm mộ nhất ở thế kỷ 20.
Tác phẩm này ngay sau đó gây một tiếng vang lớn ở Mỹ do trường Đại học Michigan xuất bản mà theo số báo ra ngày 7-12 năm 2003, tờ Los Angeles Times công bố thì "Số Đỏ" nằm trong danh sách khoảng 50 quyển sách mà họ chọn là sách hay nhất trong năm ở Mỹ.
Giáo sư Zinoman của Đại học California, Berkeley, Mỹ là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Số Đỏ và Vũ Trọng Phụng.
Không dừng lại ở đó, chính giáo sư Zinoman còn nỗ lực thành lập một tạp chí Việt Nam học tại Mỹ mà tại đó ông tiếp tục hướng dẫn, đào tạo nghiên cứu sinh về các vấn đề liên quan tới Vũ Trọng Phụng.
Ông đã mang văn học Việt Nam tới với thế giới qua nhiều buổi thuyết trình về tác phẩm "Số Đỏ" và Vũ Trọng Phụng hấp dẫn người nghe nhiều tiếng đồng hồ liền.
Quá trình nghiên cứu sâu sắc và toàn diện còn giúp giáo sư Peter Zinoman có cái nhìn thấu đáo về Vũ Trọng Phụng:
"Ở một thời điểm như vậy, với một giọng văn như vậy, một cảm quan như vậy, so với cả một nền văn chương Việt Nam và so với mặt bằng chung của thế giới, Vũ Trọng Phụng không thua kém gì với Lỗ Tấn và Guyde Maupassant. Vũ Trọng Phụng đã đi trước những người đương thời một khoảng cách không nhỏ".
Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Nguyệt Cầm đánh giá tác phẩm này là "Một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam".