Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay trong thành phần Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia có sự tham gia Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an. Việc thanh tra sẽ được tiến hành dựa trên nguyên tắc thanh tra đột xuất, không báo trước.
Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT. Ảnh: VNN |
Chiều 19/6, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay bên cạnh Cục An ninh - Chính trị nội bộ A83, trong thành phần Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia còn có sự tham gia Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.
Lực lượng này đã triển khai đến công an các tỉnh phối hợp với ngành giáo dục để xử lý những tình huống phát sinh liên quan tới công nghệ cao trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
"Bộ sẽ thành lập 10 đoàn thanh tra giám sát kỳ thi THPT quốc gia 2017. 63 địa phương cũng có đoàn thanh tra do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Điểm mới của thanh tra địa phương năm nay là thành phần có ít nhất một cán bộ của trường đại học, để tăng tính khách quan.
Việc thanh tra kỳ thi THPT quốc gia được tiến hành trên nguyên tắc đột xuất, không báo trước. 10 đoàn thanh tra của Bộ sẽ chia theo khu vực thì đương nhiên tỉnh biết chúng tôi sẽ đến. Nhưng chúng tôi đến điểm nào trong cụm thi đó thì họ không biết trước. Tương tự, các đoàn thanh tra của Sở cũng không báo trước điểm thi sẽ kiểm tra trong cả cụm thi của tỉnh", ông Bằng nói và cho biết, việc này giúp công tác giám sát được công bằng, chính xác.
Ngoài ra, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục cũng khẳng định, mọi chủ thể tham gia làm thi đều là đối tượng thanh tra. Đoàn của Sở có thể thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị. Lực lượng của Bộ thanh tra các sở, hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, giám thị thực hiện đúng chức trách.
Tại các điểm thi có cán bộ giám sát. Theo quy chế, tối đa 7 phòng thi sẽ có một giám sát. Cán bộ này có quyền giám sát cả việc làm của giám thị, các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy người này không đảm bảo đúng quy định.
Thí sinh cũng là người giám sát kỳ thi. Theo quy chế, các em được mang vào phòng thi máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ.
Để tránh gian lận khi cho phép thí sinh mang theo thiết bị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, có 2 giám thị phụ trách một phòng thi 24 thí sinh. Khi gọi thí sinh vào phòng thi, một giám thị gọi thí sinh vào, giám thị còn lại đối chiếu ảnh, kiểm tra thiết bị sĩ tử mang theo. Quá trình làm bài thi, một giám thị bao quát từ trên xuống, một giám thị từ dưới nhìn lên.
Vì vậy, để phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận bằng công nghệ cao, vấn đề quan trọng là các giám thị phải làm rất nghiêm túc. "Nếu giám thị làm nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung thì sẽ phát hiện được ngay khi có sai phạm. Và nếu giám thị tập trung như vậy thì thí sinh nào có ý định gian lận cũng không dám", ông Bằng phân tích.
Đức Hòa (tổng hợp)