Vỉa hè của một trong những công viên lớn nhất, đẹp nhất Hà Nội có những dải gạch dẫn đường cho người khiếm thị. Nhưng rất tiếc, những dải gạch này lại có thể gây nguy hiểm.
Công viên Cầu Giấy là một trong những công trình đầu tiên tại Hà Nội đưa hệ thống dẫn đường cho người khiếm thị (Blind Footpath Brick) vào sử dụng tại vỉa hè quanh công viên. Gạch dẫn đường cho người khiếm thị được sử dụng rất rộng rãi tại các nước phát triển, đó là thành phần bắt buộc của hệ thống hạ tầng phục vụ người khuyết tật bên cạnh lối lên cho người đi xe lăn.
Hệ thống gạch dẫn đường được sử dụng tại vỉa hè quanh công viên Cầu Giấy có thể do lần đầu được áp dụng thực tế tại Việt Nam nên chưa được làm đúng quy cách tiêu chuẩn và có nhiều đoạn "chỉ dẫn sai", một số đoạn thì chắp vá cẩu thả gây mất mỹ quan.
Gạch dẫn đường gồm hai loại: loại gạch sọc để hướng dẫn đi thẳng tiếp, loại chấm bi để yêu cầu dừng lại. Tại các điểm giao cắt , cua , ngoẹo, đặc biệt là tiếp giáp với đường phố phải có gạch chấm bi để cảnh báo người khiếm thị dừng lại.
Hai loại gạch được dùng để dẫn đường. Ảnh: Northstarvn |
Tại vỉa hè công viên Cầu Giấy, chỉ có duy nhất một loại gạch sọc được sử dụng. Các khúc giao tiếp không được cảnh báo dừng.
Vỉa hè công viên Cầu Giấy chỉ sử dụng gạch sọc |
Theo chỉ dẫn này, người khiếm thị sẽ đi thẳng ra đường |
Hoặc qua miệng cống |
Cũng có thể chả biết đi thế nào nữa |
Một đoạn khác được chắp vá cẩu thả |
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tuấn, tổng giám đốc công ty Sao Bắc Đẩu (Northstar VN), đơn vị chuyên xuất khẩu gạch dẫn đường sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Tuấn cho biết: "Những dải gạch dẫn đường tại công viên Cầu Giấy chưa đúng ở các điểm cơ bản sau: Chưa lắp đặt đúng quy cách khi thiếu gạch chấm bi, chưa sử dụng đúng loại gạch với chất liệu và màu sắc tiêu chuẩn quốc tế".
"Gạch dẫn đường phải được làm từ Granite hoặc nhựa để đảm bảo được độ chống trượt, phải có màu vàng đậm ánh tươi để những người thị lực kém có thể phát hiện dễ dàng hơn". Ông Tuấn nói tiếp. Dưới đây là một số hình ảnh sản phẩm của công ty Sao Bắc Đẩu được sử dụng tại Hàn Quốc do ông Tuấn cung cấp
Đường cho người khiếm thị phải tránh các lắp cống. Ảnh: Northstarvn |
Các đoạn tiếp giáp phải dùng gạch chấm bi. Ảnh: Northstarvn |
Gạch được sử dụng tại nhà ga. Ảnh: Northstarvn |
"Đường dành cho người khiếm thị là điều lạ lẫm ở Việt Nam, nhưng đối với các nước phát triển nó là một điều bắt buộc tại các công trình công cộng. Hiệu quả đối với người khiếm thị thì việc các nước sử dụng rộng rãi, coi đó là bắt buộc là mình chứng rõ nhất. Cái cao hơn nữa là nó thể hiện được tính nhân văn của một xã hội, quan tâm đến nhau". Ông Tuấn cho hay.
Trao đổi thêm với ông về việc gạch dẫn đường được sử dụng sai quy cách gây những hâu quả như nào. Ông Tuấn cho rằng có hai hậu quả lớn nhất: "Thứ nhất, NGUY HIỂM cho người khiếm thị nào sử dụng. Thứ hài, cộng đồng Quốc Tế nếu thăm đường phố Việt Nam sẽ "cười" vào Đất Nước chúng ta."
Ông Tuấn cho biết, gạch dẫn đường có quy tắc sử dụng và lắp đặt chung trên toàn Thế Giới vì vậy nó rất phổ thông và quen thuộc, người nước ngoài có thể dễ dàng thấy được sự "cẩu thả" của chúng ta nếu họ đến công viên Cầu Giấy.
Nếu không sớm khắc phục, rất có thể những dải gạch này sẽ được coi như những gạch trang trí vốn như nó đang bị xem là thế. Nhưng nếu để trang trí, tại sao lại sử dụng gạch cho người khiếm thị, lát theo thiết kế của gạch dẫn đường cho người khiếm thị?
Từ những dải gạch với tính nhân văn và mục đích cao cả, rất có thể vỉa hè công viên Cầu Giấy lại có thể trở thành nơi tiềm tàng nhiều nguy cơ gây tai nạn. Từ một nét đẹp của xã hội, những dải gạch này có thể hạ thấp hình ảnh của đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.
Việc thiết kế lối đi giành cho người khiếm thị theo chủ trương của công viên Cầu Giấy là rất đáng hoan nghênh và biểu dương. Nếu có thể sửa chữa những sự cẩu thả, thiếu chính xác của dải gạch dẫn đường, đây sẽ là một trong những cung đường nhân văn nhất thủ đô.
Quý Vũ