“Sau 10 ngày ngã xuống giếng sâu, cụ bà vẫn sống sót hy hữu là do cụ gặp nhiều điều kiện may mắn khách quan” – bác sỹ Dương Đức Hùng nhận định.
Vừa qua, việc một cụ bà tên H'Văn Ajun (61 tuổi) ở Đắk Lắk vẫn sống sót sau chục ngày bị ngã xuống giếng sâu được đánh giá là khá hy hữu. Cụ bà được xác định trú tại buôn Krưm, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ.
Được biết, 10 ngày ở dưới giếng sâu, nước cao tới đầu gối, cụ bà nhiều lần bị ngất xỉu. Mỗi lần tỉnh dậy, bà lại uống nước để cầm hơi.
Trao đổi về khả năng sống sót của bà H'Văn Ajun trong tình huống cơ thể không được cung cấp thức ăn, lại phải dầm mình dưới giếng sâu, bác sỹ Dương Đức Hùng – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là một trong những tình huống khá hiếm trong thực tế. Tuy nhiên, việc sống sót của người bị nạn trong trường hợp này xuất phát từ nhiều yếu tố ngoại cảnh được cho là may mắn.
Sau 10 ngày ngã xuống giếng hoang, cụ bà 61 tuổi vẫn sống sót. Ảnh: Công an tp. HCM |
Theo chia sẻ của bác sỹ Hùng, trong thực tế, nhiều trường hợp gặp phải khí độc trong giếng, nạn nhân thường suy kiệt hô hấp và tử vong nhanh chóng. Thế nhưng do giếng này không có khí độc nên cụ bà vẫn có thể hô hấp bình thường. Thêm nữa, đây lại là một giếng cạn. Và theo thông tin mà báo chí đã phản ánh thì nước trong giếng chỉ ngập tới đầu gối. Do đó, nạn nhân không phải trầm cả mình trong nước lạnh, dễ gây kiệt sức. Đặc biệt, trong cả chục ngày bị ngất xỉu nhiều lần như vậy, nếu nước sâu thì chắc chắn nạn nhân sẽ bị ngạt nước và tử vong.
“Thông thường, khả năng nhịn đói của con người tốt hơn khả năng nhịn khát. Đối với cụ bà cũng không phải ngoại lệ. Trường hợp của cụ rất may mắn vì trong lúc gặp nạn vẫn có nước để uống. Đây chính là lý do quan trọng giúp cụ kéo dài thời gian sống sót Còn đối với thể trạng của người già, mức độ tiêu hao, chuyển hoá năng lượng không nhiều như những người trẻ tuổi. Điều đó lý giải việc mặc dù không được cung cấp thức ăn trong cả chục ngày nhưng cụ vẫn có thể cầm cự” – Bác sỹ Dương Đức Hùng cho biết.
Về kỹ năng ứng phó khi gặp phải sự cố tương tự, theo bác sỹ Hùng, cách tốt nhất là nên tìm mọi phương án để thoát hiểm. Vì gặp nạn ở một nơi không thức ăn hoặc thiếu nước uống thì đôi khi không thể cứu vãn được nạn nhân.
“Trong một số tình huống bị nạn, do không có nước uống, một số người còn sử dụng chính nước tiểu của mình để tránh cho cơ thể bị khát đến suy kiệt và dễ dẫn tới tử vong” – Bác sỹ Hùng cho hay.
Trước đó, như đã đưa tin, sáng ngày 07/6, bà H'Văn Ajun đi làm rẫy cho người em gái tên H'Loan Ajun. Tối cùng ngày, không thấy bà H'Văn Ajun trở về, người thân trong gia đình đã báo với chính quyền địa phương và bắt đầu đi tìm kiếm quanh vùng. Thậm chí sau đó, gia đình còn đăng tin tìm kiếm bà H'Văn Ajun trên phát thanh, truyền hình nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Đúng 10 ngày sau (16/6), trên đường đi làm về qua giếng nước hoang của gia đình bà H'Loan Ajun, một người dân trong buôn Krưm bất ngờ nghe thấy tiếng kêu cứu vọng lên từ lòng giếng. Nghi ngờ có người ngã xuống giếng nên người này lập tức báo tin cho gia đình bà H'Loan Ajun và chính quyền địa phương.
Phát hiện sự việc, hàng chục người đã được huy động đã cứu người dưới giếng sâu. Thời điểm tiếp cận người bị nạn dưới đáy giếng, mọi người ai nấy đều bất ngờ vì nhận ra đó chính là cụ bà H'Văn Ajun bị “mất tích” từ 10 ngày trước.
Sau khi được giải cứu, cụ bà H'Văn Ajun được người nhà chuyển tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để cấp cứu.
Theo Hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện, bà H'Văn Ajun nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, gãy khung sườn bên trái và sức khỏe suy kiệt. Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện đã thực hiện các biện pháp cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân.
Được biết, trong hai ngày đầu, bà H'Văn Ajun không thể ăn uống, phải truyền đạm và truyền nước liên tục. Đến ngày thứ 3, bà bắt đầu uống sữa, ăn cháo loãng. Sau nhiều ngày điều trị, sức khoẻ của bà đã dần hồi phục và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Vũ Đậu