Doanh nhân Phạm Văn Sáng, người nổi tiếng từng thuê trực thăng xem bóng đá chia sẻ, ông sẽ mang vải thiều, tờ tiền Việt Nam sang Nga để tặng cổ động viên các nước trong mùa World Cup 2018.
Đại gia mang vải thiều, tiền Việt và cúp vàng Bát Tràng đi xem
Không chỉ nổi tiếng trong kinh doanh, đối với dân mê túc cầu, doanh nhân Phạm Văn Sáng (biệt danh Sáng "Củ Chi") còn được nể phục về tình yêu bóng đá cuồng nhiệt và mức độ cực "ngông" khi ông cùng bạn bỏ ra cả nghìn USD thuê trực thăng chỉ để xem trận bóng tại World Cup 2014.
Tuy nhiên, ít ai biết câu chuyện "hậu kỳ" đầy thú vị đằng sau những lần bạo chi đáng nể đó của doanh nhân Phạm Văn Sáng. Trước giờ khai mạc , phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh, lắng nghe những tâm sự của cổ động viên đặc biệt này.
Cũng như mọi mùa giải, ông Sáng "Củ Chi" cho hay, năm nay, ông sẽ xem các trận quan trọng từ vòng đấu 1/8 đến chung kết World Cup 2018 diễn ra từ 3 -15/7. Mặc dù không tiết lộ chi phí của cả hành trình kéo dài hơn chục ngày tại nước Nga xa xôi, song tính sơ giá vé xem World Cup mà vị đại gia cần chi trả lên tới hơn chục nghìn USD.
"Các vòng tứ kết và bán kết có vé lên tới 3.000 USD, riêng trận chung kết, tôi mua vé đã hơn 6.000 USD", ông Sáng tiết lộ.
Ông Sáng kể, trong hành trình dài ngày tham dự World Cup 2018, ông và người bạn thân là doanh nhân Trần Văn Hoàn (hay còn gọi là Hoàn pháo, Hoàn say), một cổ động viên nổi tiếng đất Cảng về độ chịu chi cho niềm đam mê bóng đá đã chuẩn bị mua cúp vàng thạch cao tại Bát Tràng và đặc sản vải thiều để mang sang Nga.
Ông cũng đã đổi rất nhiều mệnh giá tiền Việt Nam và chuẩn bị hàng trăm chiếc lá quốc kỳ Việt Nam để làm quà tặng lưu niệm khi đến với xứ sở Bạch Dương xem World Cup 2018.
"Chúng tôi không chỉ đơn thuần xem giải đấu mà còn muốn mang hình ảnh một Việt Nam thân thiện, với nhiều điều đặc biệt đến với bè bạn thế giới", ông Sáng tâm sự.
Ông Sáng Củ Chi, một trong những cổ động viên đặc biệt của mùa giải World Cup 2018.
Chi hàng tỷ đồng để xem các kỳ World Cup, Euro, sẵn sàng bỏ ra cả nghìn USD để thuê trực thăng xem trận đấu tại Brazil, đó mới chỉ là những "thành tích" bề nổi về độ chịu chơi của ông Sáng trong lĩnh vực bóng đá.
Điều khiến ông gây ấn tượng mạnh mẽ với giới hâm mộ bóng đá Việt đó là và bộ trang phục đặc biệt mà vị doanh nhân mang ra nước ngoài trong mỗi giải đấu.
Ông Sáng Củ Chi cho biết, ông luôn xuất hiện tại các đấu trường lớn của thế giới cùng chiếc mũ tai bèo, áo cờ đỏ sao vàng, trên vai là lá cờ Tổ Quốc, với niềm tự hào là người Việt.
Chi "núi tiền" xem World Cup nhưng cũng lắm mối lo
Rút kinh nghiệm từ lần trước phải vất vả mua vé chợ đen vào sân, năm nay, ông Sáng tiết lộ, ông đã đặt mua vé xem World Cup 2018 từ rất sớm.
Tuy nhiên, hiện tại, ông Sáng khá lo lắng khi mã xác nhận thẻ Fan ID (tương tự như một hộ chiếu cá nhân khi tham dự tất cả các trận đấu của FIFA 2018 World Cup) của loạt vé xem trong các ngày tới tại Nga vẫn chưa được gửi đến.
Bên cạnh đó, các sân vận động diễn ra giải đấu lần này đều cách xa nhau, khiến ông Sáng và nhiều người hâm mộ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại, tăng chi phí phương tiện di chuyển và nơi ăn ở.
Nghe ông Sáng tâm sự mới biết rằng, ông và không ít cổ động viên người Việt khi ra nước ngoài xem bóng đá gặp khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ, thế nhưng những hành trình khám phá World Cup luôn đáng nhớ từ những điều bất lợi ấy.
"Do không thạo ngoại ngữ, để mua được vé chợ đen vào xem trận đấu, tôi phải nhờ người viết lên một tấm bảng lớn, rồi cầm bảng giơ lên tìm người bán. Có lần mua vé đắt gấp 2-3 lần, nhưng cũng không ít dịp may mắn gặp cổ động viên thân thiện, họ mua thừa vé nên nhượng lại với giá gốc", ông Sáng vui vẻ kể lại.
Đối với doanh nhân Phạm Văn Sáng, bóng đá là một niềm đam mê bất tận.
Trong các mùa giải, World Cup 2014 để lại nhiều ấn tượng đặc biệt nhất đối với ông Sáng. Trên đất Nam Phi, ông và đại gia Hoàn pháo quyết định thuê trực thăng bay vòng quanh sân vận động để xem trận đấu Brazil gặp tuyển Hà Lan.
Hồi tưởng lại những ngày ở Nam Phi, ông Sáng cho biết, lúc đó, do các sân vận động cách nhau cả ngàn km, khiến việc di chuyển bằng các phương tiện đều tốn kém, mất thời gian.
Khu vực khách sạn mà ông thuê để cư trú cũng không gần sân thi đấu, vậy nên dù đã thuê phòng khách sạn có giá cả nghìn USD song ông vẫn quyết định hủy toàn bộ phòng khách sạn, đến tìm phòng trọ sát sân đấu.
"Phòng trọ khá chật chội, nhưng ở cùng nhiều anh em phóng viên báo chí và người hâm mộ Việt nên rất vui. Lúc đó, tuy thuê trực thăng đắt gấp rưỡi giá thuê các loại phương tiện khác, nhưng tôi và Hoàn vẫn lựa chọn để di chuyển nhanh. Hơn nữa, trải nghiệm xem bóng đá trên cao thực sự đặc biệt và thú vị", ông Sáng kể lại.
Hoàng Linh
Theo NSKT/Trí thức trẻ