Khi quy định về "chiếc quần jeans" còn chưa giảm tranh luận trên các diễn đàn mạng thì nhiều trường ĐH có những quy định vô cùng “thú vị” khác, liên quan tới hành xử chốn giảng đường.
Cấm quần jeans, sinh viên ngơ ngácQuần jeans, dép lê đến trường trước ngày bị cấmTại sao đại học phải cấm dép lê, áo mỏng?Hàng loạt đại học cấm quần jeans, váy mỏng, dép lêCấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans, đi dép lêQua tìm hiểu, quy định về trang phục chỉ là một phần trong quy định về văn hoá công sở, văn hoá học đường của các trường ĐH, CĐ.
Trong quy định Thực hiện nếp sống văn hóa học đường đối với sinh viên Trường ĐH Đại Nam, lãnh đạo trường “điểm danh” cụ thể các màu tóc sinh viên không được nhuộm khi đến trường: Không nhuộm tóc mầu sáng hoặc lòe loẹt (trắng, đỏ, vàng, xanh). Bên cạnh đó là không được mặc quần sooc, váy ngắn, áo dây, áo(quần) quá mỏng, in hình ảnh phản cảm....
Trang phục giảng đường nhiều trường nói "không nên"
Quy định Văn hoá công sở Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), ngoài những nội dung khá cơ bản như nghiêm cấm không hút thuốc lá, chơi điện tử, đánh bạc, uống đồ uống có cồn nơi công sở... trường này còn quy định những điều cán bộ viên chức không được làm gồm có: “Ăn quà, dẫm đạp lên cây trồng, ngắt bẻ hoa, cây cảnh trong khuôn viên trường, xả rác bừa bãi”.
Quy chế văn hoá của Trường ĐH Y Hà Nội yêu cầu “Quan hệ nam nữ trong sáng, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường”.
Những điều “không được” của trường này còn có: Chặt, phá cây; Săn bắt chim trong trường.
Trường ĐH Mỏ - Địa chất trong Quy định về văn hoá học đường yêu cầu sinh viên: “Không chặt phá cây, bẻ cảnh, hái quả, trèo qua cổng, tường rào, ống nước nhà tầng...”.
“Sinh viên phải tuyệt đối chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ, các biển báo cấm, hiệu lệnh chỉ dẫn giao thông trong khu vực trường và hướng dẫn của lực lượng bảo vệ. Không chở vượt quá số người quy định, chạy xe quá tốc độ cho phép, chạy ngược chiều, chạy xe thành nhiều hàng, lạng lách, đánh võng...”.
Trường ĐH Điện lực yêu cầu học sinh sinh viên, học viên không “Làm việc riêng, nói chuyện, ăn uống, xả rác; sử dụng điện thoại, đi lại tự do, làm việc riêng và...ngủ gật trong giờ học”.
“Đóng học phí đúng thời hạn theo quy định” cũng là một... nét văn hoá học đường của sinh viên trường này. Thầy và Trò chỉ xưng hô theo các từ “ Thầy - Cô” và “Em”.
Quy định về thực hiện nếp sống văn hoá đối với học sinh, sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An nhắc tới cả món kẹo cao su: “HSSV không được nói tục, chửi bậy; không uống rượu bia, hút thuốc lá trong khu vực trường hoặc say rượu bia khi đến trường; không sử dụng điện thoại trong giờ học và lúc hội họp; không ngủ trong lớp, trong giờ học, không làm ồn ào ảnh hưởng đến người khác; Không ăn kẹo cao su, không được dẫm chân lên tường, ghế đá, bàn, ghế...”
Rất nhiều trường đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách gọi điện thoại: Cán bộ viên chức khi giao tiếp qua điện thoại cơ quan phải xưng tên cơ quan, đơn vị công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột, không lớn tiếng, nói gay gắt trên điện thoại; không nói chuyện với người khác khi đã nhấc ống nghe...
Thậm chí Trường ĐH Điện lực còn phải hướng dẫn cả cán bộ, sinh viên chi tiết từ thứ tự ưu tiên gặp nhau chào:
“Cán bộ và viên chức: Khi gặp cán bộ, viên chức phải chủ động chào trước, thể hiện sự kính trọng lễ phép. Cán bộ cũng phải đáp lại bằng cử chỉ chào hỏi thân thiện, hoặc có thể gật đầu mỉm cười đáp lại.
Đồng nghiệp cùng cấp: Khi gặp nhau người ít tuổi chủ động chào người cao tuổi. Học sinh sinh viên, học viên: Phải chủ động chào các thầy, cô giáo, CBVC với thái độ kính trọng, lễ phép”.
Ứng xử giao tiếp qua điện thoại cũng được trường này quy định, hướng dẫn cực kỳ chi tiết, tới mức “Kết thúc cuộc đàm thoại phải có lời cám ơn, lời chào thân thiện”...
Có thể những quy định nêu trên không gây tranh cãi nhiều như chuyện chiếc quần jeans, nhưng có một câu hỏi đặt ra: Tại sao những chuyện như hái hoa bẻ cành, vứt rác bừa bãi, nói tục chửi bậy, nói chuyện điện thoại, chào người lớn... đến bậc học ĐH - lãnh đạo các trường vẫn phải nhắc nhở chi li cho từ cán bộ giảng viên tới sinh viên?
Chuyện học ăn, học nói và những hành xử hàng ngày này được rèn rũa từ tấm bé trong mỗi gia đình, nhà trường, ăn sâu vào nhận thức, hành xử của mỗi người từ thủa mầm non, tiểu học... Có phải các trường vẫn xem sinh viên như trò tiểu học? Hay bởi ở những bậc học dưới mải chú trọng "dạy chữ" hơn "dạy người" nên tới bậc đại học, nhiều trường vẫn phải đưa ra những quy định điều chỉnh hành vi trên?
Theo Ngân Anh/Vietnamnet