Mức giá này đảm bảo sẽ khiến tất cả phải giật mình. Và ngoài ra, còn hàng tá sự thật thú vị khác mà bạn chưa hề biết đằng sau bức tượng vàng danh giá nhất làng điện ảnh này!
Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 nhằm vinh danh các tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2017 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby Theatre, Hollywood, Los Angeles, California vào lúc 17h ngày 4/3/2018 giờ địa phương (8h sáng ngày 5/3/2018 giờ Việt Nam) và được phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ ABC. MC, danh hài Jimmy Kimmel là người dẫn dắt lễ trao giải năm nay.
Giải thưởng của Viện hàn lâm (Academy Award) - hay tên thường gọi là giải Oscar - là danh hiệu quý giá nhất đối với những người hoạt động trong làng điện ảnh. Người đạt giải sẽ nhận được một bức tượng Oscar mạ vàng.
Nhưng bạn có biết, giá trị của một bức tượng Oscar là bao nhiêu không? Trên thực tế, đó chỉ là một bức tượng bằng kim loại được mạ vàng, có mức giá khoảng 57 USD (khoảng 1,2 triệu đồng). Tuy nhiên, khi được đem đi đấu giá thì mức giá thu được sẽ khiến bạn bất ngờ.
Tại vì...
1. Tượng vàng Oscar chỉ đáng giá... $1
Việc bán đấu giá tượng Oscar đã diễn ra từ lâu. Phần lớn các kỷ vật này được bán đi khi chủ nhân của nó đã qua đời. Bởi thế, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) rất phiền lòng trước tình trạng này.
Kết quả là vào năm 1951, Viện Hàn lâm đã ra quy định không cho phép bất cứ ai rao bán tượng vàng. Và nếu có bán, cũng chỉ được bán cho người thuộc Viện Hàn lâm với mức giá mang tính chất tượng trưng là 1 USD - tương đương khoảng 22 ngàn đồng mà thôi.
Kể từ đó, những tượng vàng được trao đã không còn mang giá trị thương mại nữa. Có lẽ như vậy thì tốt hơn.
Bên cạnh giá trị tượng trưng, chúng ta sẽ cùng đến với một số sự thật bất ngờ khác về giải Oscar.
2. Nguồn gốc của cái tên Oscar
Tên chính thức của giải thưởng lại là Academy Award of Merit. Vậy cái tên Oscar đến từ đâu? Hiện nay, vẫn chưa có một thông tin chính xác về điều này.
Tuy nhiên, theo một số tin đồn, khởi nguồn của cái tên Oscar đến từ năm 1931. Bà Margaret Herrick - Thư ký điều hành của Viện Hàn lâm - nói vui rằng bức tượng này làm bà nhớ đến người bác mang tên Oscar của mình.
Nhà báo Sidney Skolsky cũng có mặt ở đó đã lập tức chộp lấy cái tên ấy và "giật tít" cho bài báo của mình như sau: "Một nhân viên đã trìu mến gọi bức tượng nổi tiếng này là Oscar."
Kể từ đó, cái tên Oscar được ra đời.
3. Nguyên mẫu của tượng Oscar là một hiệp sĩ
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao "người đàn ông Oscar" lại luôn cầm một thanh kiếm trong tay?
Đó là vì ý tưởng thiết kế ban đầu của tượng là hình ảnh một hiệp sỹ đứng trên cuộn phim và nắm trong tay thanh kiếm, tượng trưng cho một cuộc "cách mạng hóa" của nền điện ảnh. Cedric Gibbons - Giám đốc nghệ thuật của hãng phim MGM chính là người phác thảo ý tưởng này.
Sau nhiều năm, bức tượng đã được đơn giản hóa thành hình một người đàn ông vạm vỡ, nhưng trong tay vẫn luôn giữ một thanh kiếm theo đúng "ý đồ" ban đầu của Cedric Gibbons.
4. Một bức tượng Oscar phải mất đến 10 ngày mới hoàn thành được
Từ năm 1982 cho đến năm 2015, R.S. Owens - nhà máy ở Chicago - là nơi sản xuất những bức tượng này. Và thường thì phải mất… 10 ngày mới xong được một bức tượng.
Kể từ năm 2016, Viện Hàn lâm đã chọn hãng đúc mỹ nghệ Polich Tallix để chế tác thay cho R.S. Owens, và họ chỉ cần một tiếng rưỡi là có thể ra một thành phẩm hoàn chỉnh.
5. Tượng Oscar đã từng được đúc bằng thạch cao
Trong Thế chiến thứ II, tượng Oscar được đúc bằng thạch cao, vì kim loại lúc bấy giờ đều là hàng hiếm, được phục vụ cho quân sự.
Sau khi kết thúc chiến tranh, những người nhận tượng Oscar trong thời kì khó khăn đó đã được ban tổ chức trao lại tượng kim loại mạ vàng.
6. Từng có một kỳ Oscar suýt chút nữa không có nổi một bức tượng
Tại lễ trao giải Oscar năm 2000, suýt chút nữa đã không có tượng vàng nào được trao tặng. Khi chỉ còn 16 ngày nữa là tới lễ trao giải, bỗng nhiên 55 bức tượng vàng Oscar lại biến mất bí ẩn khỏi nhà kho.
Nhận được tin, cảnh sát tức tốc vào cuộc và họ đã phát hiện những bức tượng vàng ấy đang "yên vị" bên trong một… thùng rác. Thủ phạm không ở đâu xa, hai nhân viên làm việc tại nhà kho cũng chính là người đã tham gia vào phi vụ này!
Kể từ lần đó trở đi, Viện Hàn lâm cũng đã rút kinh nghiệm và luôn làm thêm một bộ tượng vàng "dự bị", khóa và cất giữ chúng an toàn trong hầm.
7. Tượng vàng nặng ngang một em bé
Cụ thể, mỗi bức tượng vàng Oscar cao hơn 33cm và nặng khoảng 3,8kg - tương đương trọng lượng của một em bé sơ sinh.
8. Tên người thắng cuộc chỉ được khắc lên tượng sau khi trao giải
Để đảm bảo bí mật, các bức tượng ấy đều không được khắc tên người thắng cuộc trước thời hạn.
Mỗi bức tượng đều có một đế đen, và đó là nơi người ta sẽ khắc tên nghệ sĩ giành chiến thắng sau buổi lễ trao giải.
Điều đó chứng tỏ rằng: Cho dù bạn có cơ hội làm việc bên trong hậu trường đi chăng nữa, bạn cũng khó mà biết được ai sẽ là người chiến thắng cho đến khi phong bì định mệnh được mở ra trong đêm trao giải.
9. Tổng cộng đã có hàng ngàn bức tượng Oscar được trao
Tổng cộng đã có 3.048 bức tượng Oscar được trao tặng từ khi bắt đầu giải thưởng cho đến năm 2017.
Nguồn: Town and Country