“Các anh đã cống hiến đến tận phút cuối. Đất nước và quê hương mãi tự hào về các anh”, một cán bộ địa phương bày tỏ trước thời điểm đón thi hài các chiến sĩ trong vụ máy bay rơi.
Xã Thăng Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) là quê nhà của chiến sĩ Đỗ Văn Năm (31 tuổi) - một trong 18 nạn nhân hy sinh vụ rơi máy bay huấn luyện Mi 171, hôm 7/7.
Tại ngôi nhà cấp bốn gắn liền với tuổi thơ chiến sĩ 31 tuổi này, chính quyền địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đón linh cữu anh về quê an táng.
Bên cạnh niềm tiếc thương chiến sĩ trẻ, ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ tịch UBND xã Thăng Bình đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tự hào trước sự hy sinh cao cả của các nạn nhân. “Các anh đã sống và cống hiến đến tận phút cuối. Đất nước và quê hương mãi tự hào và sẵn sàng đón các anh về với đất mẹ”, ông Tùng nói.
Ngôi nhà gia đình ông Hùng, nơi gắn liền với tuổi thơ chiến sĩ Đỗ Văn Năm.
Xuất thân trong một gia đình nghèo có 3 anh em trai, từ nhỏ đến lớn, chiến sĩ Năm luôn được biết đến là chàng trai thông minh, ngoan hiền và hay giúp đỡ người gặp khó khăn. Ông Đỗ Văn Hùng (66 tuổi - bố đẻ anh Năm) là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường khu B.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hùng nén đau thương kể, tốt nghiệp cấp ba, anh Năm xung phong nhập ngũ. Sau một thời gian được thử thách trong một trường quân đội với kết quả loại giỏi, đầu năm 2012, anh tiếp tục được biên chế vào tiểu đoàn 18 (Quân khu Thủ đô thuộc Bộ tư lệnh đặc công). “Từ nhỏ, Năm đã nuôi ước mơ và ý chí trở thành người lính đặc công chinh phục bầu trời, khám phá đại dương”, ông Năm cho biết.
Tròn 13 năm cống hiện trong quân ngũ, dù phải thử thách ở bất cứ môi trường nào thì chiến sĩ Năm vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong sinh hoạt hằng ngày, người con xứ Thanh này luôn được đồng đội quý mến.
"Cháu luôn là niềm tự hào cho gia đình, dòng họ”, ông Hùng bảo.
Năm 2009, Năm kết hôn với cô gái người dân tộc Tày ở Yên Bái. Sau ngày cưới, cả hai vợ chồng ở lại Hà Nội tạo lập cuộc sống mới. Hai người đã sinh được một đứa con trai nay tròn 4 tuổi. Hằng ngày, chồng chăm chỉ rèn luyện tại thao trường, người vợ đến trường dạy học.
Ông kể, cuộc sống gia đình hằng ngày trông chờ vào 6 sào ruộng, mẹ Năm bị bệnh khớp nên thường xuyên phải sử dụng thuốc và không làm được việc nặng. Thương bố mẹ già yếu nên mỗi lần được nghỉ phép, anh đều tranh thủ về quê thăm nom gia đình.
“Công việc của người lính không cho phép nó nghỉ lâu, lâu lắm cũng chỉ được mấy ngày rồi lại vội vàng đi. Lần nào nhà có công việc, nó cũng tất bật về rồi lại đi rất sớm. Trước khi đi lần nào nó cũng dặn: công việc không cho phép con điện thoại liên tục được nên bố mẹ cũng đừng trông”, mẹ đẻ chiến sĩ Năm kể.
Chỉ trong vòng một tháng, vợ chồng ông Hùng đón nhận hai nỗi mất mát lớn, anh trai Năm cũng vừa đột ngột qua đời cách đây không lâu. Dù gia đình liên tiếp chịu nhiều bất hạnh nhưng ông Hùng luôn tỏ ra mạnh mẽ và tự hào về những đứa con.
Quê hương đã sẵn sàng đón anh về với đất mẹ.
“Đau đớn lắm, thương lắm, không biết nói sao cho hết, nhưng tôi cũng tự an ủi mình và động viên mọi người trong gia đình hãy kìm nén lòng. Sự hy sinh của cháu luôn là niềm tự hào cho gia đình, dòng họ”, ông Hùng bảo.
Ông cũng bộc bạch rằng cho đến giờ phút này, ông vẫn không ân hận vì đã luôn ủng hộ con trai đi theo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi 171 chở theo 21 người đã rơi ở khu vực Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây. 18 người đã mất và 3 người bị thương nặng. Sau lễ truy điệu tại Hà Nội, linh cữu đặt thi thể anh Năm và đồng đội hy sinh sẽ được đưa về an táng tại quê nhà trong chiều 11/7.