Tại sao khoa học lại mất công tạo ra loại quả bình dị nhất thế gian là chuối? Đơn giản là vì hàng triệu người sẽ được cứu sống.
Mới đây, các chuyên gia tại ĐH Công nghệ Queensland (Úc) đã tạo ra một giống chuối mới, mang tên "golden banana" - hay chuối vàng. Theo giáo sư James Dale - chủ nhiệm nghiên cứu, các chuyên gia đã vất vả lắm mới tạo ra được nó và đây là một phát minh rất quan trọng.
Nhưng tại sao phải vất vả để tạo ra chuối - một thứ quả quá sức bình dị như vậy? Nguyên nhân của chuyện này bắt nguồn từ Uganda, một quốc gia... có quá nhiều chuối. Ở đây, chuối là nguồn lương thực chủ yếu, và họ gần như ăn mọi món ăn làm từ chuối.
Về cơ bản, chuối có chứa nhiều đường và nhiều dưỡng chất, nhưng hàm lượng các chất vi lượng lại khá thấp, đặc biệt là sắt và pro-vitamin A. Nếu như chỉ ăn chuối, việc thiếu hụt vitamin A là điều không thể tránh khỏi.
Hàng năm, có khoảng 650.000 - 700.000 trẻ em trên thế giới tử vong vì thiếu pro-vitamin A, cùng vài trăm ngàn trẻ bị mù vĩnh viễn. Ngoài ra, các trường hợp nhẹ hơn cũng để lại tác động không nhỏ, như chậm lớn, gây vô sinh, khô da...
Thiếu hụt pro-vitamin A có thể gây mù lòa
Tuy nhiên, loại chuối mới sẽ giải quyết tất cả. Bằng cách sử dụng công nghệ biến đổi gene, thành quả sau 12 năm nghiên cứu của ĐH Queensland là một loại chuối có hàm lượng pro-vitamin A rất cao.
"Chúng tôi sử dụng một loại gene từ chuối của Papua New Guinea - loại chuối có hàm lượng pro-vitamin A rất cao nhưng buồng nhỏ - sau đó đưa vào chuối Cavendish tại Uganda." - giáo sư Dale cho biết.
"Sau nhiều năm, chúng tôi đã phát triển thành công một loại chuối cho hàm lượng pro-vitamin A cực cao, có màu vàng cam khi chín, thay vì vàng óng như bình thường."
Chuối chín sẽ có màu vàng cam, thay vì vàng nhạt như chuối thường
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hàng trăm chuỗi gene khác nhau trước khi tạo ra phiên bản "chuối vàng" cuối cùng tại Uganda. Theo kế hoạch, họ hy vọng rằng nông dân tại Uganda sẽ thay thế hoàn toàn chuối địa phương bằng loại chuối mới này trong năm 2021.
"Nghiên cứu này là một cột mốc quan trọng, khi chúng tôi có sứ mệnh mang các nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn đến cho cộng đồng châu Phi" - giáo sư chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plant Biotechnology.