Theo tin tức từ Thanh niên và Tuổi trẻ, Bộ GD-ĐT vừa có thông báo dự kiến về phương án ban đầu về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020, trong điều kiện dịch Covid-19 ở một số địa phương.
Theo đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ chỉ đạo các địa phương phân loại thí sinh theo mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch để bố trí điểm thi, phòng thi, cán bộ làm công tác tổ chức thi phù hợp, đảm bảo an toàn và quyền lợi tối đa cho thí sinh.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường rà soát, cập nhật tình trạng sức khỏe của tất cả thí sinh, thường xuyên báo cáo ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để kịp thời xử lý; bố trí đủ cán bộ dự phòng để tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại khu vực in sao đề thi, các điểm thi và các khu vực chấm thi.
Như vậy, kỳ thi vẫn diễn ra theo đúng lịch đã chốt là ngày 9 và 10/8. Ngày 8/8, thí sinh sẽ tập trung để làm thủ tục dự thi và kỳ thi diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi. Mỗi thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ bắt buộc phải thi 4 bài gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên/ khoa học xã hội.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố các đề thi tham khảo giúp thí sinh yên tâm vì đề thi bám sát nội dung chương trình được tinh giản, đồng thời có sự phân hoá đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và bảo đảm cơ hội cho các thí sinh thể hiện đúng năng lực, nỗ lực học tập khi có nguyện vọng tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
>>>Xem thêm: Bộ GD-ĐT chính thức chốt ngày thi tốt nghiệp THPT 2020
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức kỳ thi tại địa phương đảm bảo "an toàn, nghiêm túc và thành công". Kỳ thi năm 2020 tiếp tục được tổ chức có sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó công tác thanh tra, kiểm tra được xác định góp phần đặc biệt quan trọng cho sự thành công của Kỳ thi.
Chính phủ đã chỉ đạo sự tham gia của "ba cấp" thanh tra, kiểm tra gồm Thanh tra của Bộ GD-ĐT, Thanh tra tỉnh và Thanh tra thuộc sở GDĐT. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo sự phân công, uỷ nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ/ngành liên quan và UBND cấp tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các khâu của Kỳ thi, đặc biệt là giám sát bảo đảm an toàn, bảo mật trong công tác đề thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả và sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp, tuyển sinh đại học – cao đẳng và đánh giá chất lượng giáo dục.
Từ đó, căn cứ cơ sở dữ liệu người học, các địa phương sẽ thực hiện việc đối sánh kết quả thi của thí sinh với kết quả học tập lớp 12. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng chống gian lận, đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi.