Điểm sàn đại học 2015 và cao đẳng theo dự kiến sẽ được Bộ GD - ĐT công bố trong ngày hôm nay 28/7. Đây sẽ là ngưỡng điểm để các trường đại học xét tuyển đầu vào.
Trả lời trên VnExpress, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, chiều 28/7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ được tính toán kỹ lưỡng dựa trên phổ điểm, phân bố theo vùng, địa phương, đảm bảo dôi dư cho các trường tuyển sinh.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào vẫn được tính bằng tổng điểm 3 môn của 5 khối thi A, A1, B, C, D. |
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu sẽ được xét trên tổng điểm 3 môn của 5 tổ hợp ( 5 khối thi A, A1, B, C, D). Với các tổ hợp mới, các trường có thể đề xuất hoặc hội đồng sẽ đưa ra nguyên tắc chung để các trường có cơ sở chọn điểm xét tuyển.
Năm 2014, Bộ GD - ĐT công bố 3 mức ngưỡng tối thiểu cho 5 tổ hợp môn thi. Cụ thể, khối A, A1, C, D có 3 mức 17 điểm, 14 điểm và 13 điểm. Riêng khối B ngưỡng điểm cao hơn với 18, 15, 14 điểm tương ứng.Các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng chất lượng xét tuyển, các trường sẽ thông báo điểm xét tuyển vào trường. Từ ngày 1/8 đến 20/8, thí sinh (TS) sẽ nộp hồ sơ NV1 vào các trường đại học.
Trong thời hạn 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần TS có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. TS đã trúng tuyển nguyện vọng I không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Nếu không trúng tuyển vào ĐH, CĐ ở lần xét tuyển nguyện vọng I, TS có thể dùng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường; trong mỗi trường, TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, TS mới được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Công bố điểm sàn 2015: 15 điểm cho tất cả các khối thi
Chiều nay (28/7), Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào gồm đại diện các trường đại học, cao đẳng công lập, ngoài công lập ở các vùng miền, đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã thống nhất đưa ra phương án điểm sàn - mức điểm thấp nhất thí sinh cần đạt được để đủ điểu kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Theo đó, hội đồng thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ 2015 ở các tổ hợp môn là 15 điểm cho tất cả các tổ hợp.
Năm nay, ngoài 5 khối thi truyền thống A, A1, B, C, D còn có nhiều tổ hợp xét tuyển mới. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã tiến hành thống kê điểm thi theo các khối thi truyền thống cũng như các tổ hợp xét tuyển mới do các trường đề xuất. Có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển phổ biến nhất được nhiều trường áp dụng trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Trong khi đó, năm 2014, mức “điểm sàn” áp dụng ở năm khối thi truyền thống cụ thể như sau: khối A,A1, C, D : 13 điểm; khối B: 14 điểm. Cũng trong năm 2014, ở hệ CĐ, “điểm sàn” xét tuyển xác định ở khối A,A1,C,D là 10 điểm và với khối B là 11 điểm.
Ngưỡng xét tuyển vào đại học, cao đẳng được xác định dựa trên phổ điểm của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, đặc điểm vùng miền, đảm bảo hệ số dôi dư để các trường có thể tuyển đủ thí sinh.
"Điểm sàn" năm nay tăng là do điểm thi THPT quốc gia của thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay cao hơn so với điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước.
Lê Vy (Tổng hợp)