Quy chế tuyển sinh năm 2016 sẽ có một số thay đổi so với năm trước khiến nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh và học sinh băn khoăn.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, những điều chỉnh trong kỳ thi này về cụm thi, việc công bố kết quả, cấp giấy chứng nhận và đăng ký xét tuyển sẽ giúp thí sinh được thuận lợi hơn.
Theo quy chế tuyển sinh mới năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức 2 loại cụm thi: Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, do trường ĐH chủ trì; Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do sở GD-ĐT chủ trì. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Điều chỉnh quy chế tuyển sinh 2016: Thuận lợi hay khó khăn? Ảnh minh họa. Nguồn: Vnexpress |
Quy chế tuyển sinh năm 2016 cũng quy định, trong đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng vào 2 ngành khác nhau, tức là có 4 nguyện vọng ở đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên. Ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký vào 3 trường, mỗi trường 2 ngành.
Ở khâu xét tuyển, năm nay thí sinh không phải đến tận các trường ĐH để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển mà thực hiện nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc qua internet.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chủ trương tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, lãnh đạo nhiều trường nhận định chủ trương này có nhiều điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên còn không ít ý kiến băn khoăn.
Trên Tuổi Trẻ, TS Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng, băn khoăn bởi với quy định về cụm thi, số lượng cụm thi sẽ lớn hơn. Như vậy nếu không có giải pháp đảm bảo an toàn thì tính thực chất của kết quả thi sẽ không được đảm bảo, cùng với đó là chất lượng xét tuyển cũng sẽ không tốt và thiếu công bằng giữa các thí sinh trong các cụm thi khác nhau.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng cho biết trên Tuổi Trẻ: “Việc tổ chức cụm thi như vậy rất nhiều rủi ro. Cá nhân tôi cũng như nhiều trường ĐH khác cũng không ủng hộ chủ trương này vì một số lý do: 1. Cách thức tổ chức cụm thi như vậy rất tốn kém; 2. Dân địa phương ở các tỉnh nhỏ hay có truyền thống bắt thang, ném phao cho con em mình. 3. An ninh cho cán bộ coi thi ở các tỉnh nhỏ không đảm bảo nhất là ngoài khu vực thi. 4. Chính quyền địa phương thường gây sức ép lên các trường phụ trách điểm thi coi thi dễ khiến tình trạng quay cóp tăng. 5. Các ĐH địa phương ít có kinh nghiệm tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. 6. Nguy cớ bị cướp hoặc lộ đề thi cao khi có nhiều điểm thi. 7. Các trường ĐH lớn không thể huy động số lượng giảng viên và sinh viên đi tỉnh tham gia công tác coi thi. Kết quả thi sẽ không phản ánh thực chất”.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 , những điều chỉnh trong kỳ thi này về cụm thi, việc công bố kết quả, cấp giấy chứng nhận và đăng ký xét tuyển sẽ giúp thí sinh được thuận lợi hơn.
Cụ thể, việc quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức cụm thi sẽ giảm đáng kể lượng thí sinh phải di chuyển ra 38 cụm thi tập trung ở các thành phố như trong năm 2015. Bên cạnh đó, việc các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả của cụm thi sẽ giúp thí sinh tra cứu kết quả thi một cách nhanh chóng, tránh bị nghẽn mạng như năm trước.
Việc quy định mỗi đợt xét tuyển thí sinh được phép đăng ký xét tuyển ở nhiều trường (hai trường ở đợt 1, ba trường ở các đợt sau), mỗi trường tối đa 2 ngành vừa giúp thí sinh có nhiều lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp, vừa khắc phục tình trạng thí sinh ồ ạt rút đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp sang trường khác.
Lê Vy (tổng hợp)