Vụ ly hôn nghìn tỷ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Bất ngờ ngày 10/4, TAND TP HCM thông báo nhận đơn kháng cáo của vợ chồng Trung Nguyên.
Trong đơn, bà Thảo mong muốn được đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trước đó, tại phiên tòa hồi tháng 2, bà Thảo cũng muốn rút đơn ly hôn:
"Tôi rất mong muốn gia đình đoàn tụ, trở về giống ngày xưa. Bản chất hôn nhân là người ta sống với nhau, cùng quan tâm, lo lắng. Đã là hôn nhân thì phải đúng bản chất".
Trước nguyện vọng mong muốn được quay lại đoàn tụ với gia đình của Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng việc rút đơn của bà Thảo là mong ước ngay từ đầu của ông, nhưng đến giai đoạn này, có những điều bà Thảo làm ông không chấp nhận được.
Giữa những ồn ào trong vụ ly hôn với vợ, nhiều người nhận thấy ông Đặng Lê Nguyên Vũ khá trầm tĩnh, ít nói và suy tư. Thế nhưng những lời ông Nguyên Vũ nói ra, người đối diện cảm nhận được ở Vũ có rất nhiều năng lượng. Một thứ năng lượng vững vàng không thể khuất phục, không thể dịch chuyển.
Trả lời trên Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Văn Phước – nhà sáng lập First News, và cũng là một người bạn lâu năm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những chia sẻ đặc biệt về ông chủ cafe Trung Nguyên - một doanh nhân luôn ấp ôm hoài bão về dân tộc và về cà phê Việt Nam.
Theo lời ông Phước thì mình từng có thời gian lên núi rừng M’Drak, cùng đốt lửa trại thức thâu đêm trò chuyện với Vũ và tham gia đồng hành cùng Trung Nguyên nhiều chương trình xã hội.
"Anh em gặp nhau thường trăn trở, chia sẻ rất nhiều về tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc và hướng đi nào phù hợp cho các bạn trẻ Việt Nam. Vũ cùng tôi đặt tựa sách cho những cuốn tâm đắc. Vũ rất sáng ý, đột phá, mạnh mẽ và quyết liệt" - Ông Phước cho biết.
Ông Phước cũng cho biết đối ông Nguyên Vũ là một doanh nhân hiếm có với hoài bão lớn lao mà không phải người nào cũng nghĩ đến. "Luôn trăn trở đau đáu về tình hình xã hội, vận mệnh tương lai quốc gia và suy nghĩ về tinh thần quốc đạo của người Việt, dân tộc Việt. Vũ coi những điều đó như là sứ mệnh của bản thân, hơn cả kinh doanh, gắn liền với cuộc đời Vũ.
Tôi cảm nhận những gì Vũ nói và chia sẻ thực sự là từ hoài bão, khát vọng cháy bỏng của Vũ chứ không phải đại ngôn hay vĩ cuồng như nhiều người phán xét.
Tôi nhận thấy Vũ là một người có khả năng đặc biệt và tầm nhìn, suy nghĩ khác biệt với phần lớn những người xung quanh
Vũ tâm đắc bài thơ của Lý Thường Kiệt: "Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.." và khát khao về một nước Việt hùng mạnh - không thể thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được - và không chỉ về cà phê...".
Trước đó chia sẻ trên Trí Thức Trẻ, TS Phan Quốc Việt là người gắn bó với ông chủ Trung Nguyên từ cuối những năm 90 của thế kỳ trước. Ông Việt nhận định, Đặng Lê Nguyên Vũ có trí tuệ, có bản lĩnh; cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lập nghiệp, luôn tìm tòi, sáng tạo, tạo lập môi trường để trí tuệ Việt, nhất là người Việt trẻ có môi trường để tỏa sáng, để "sánh vai với các cường quốc 5 châu".
Ông Việt tiết lộ về mục đích cuối cùng của ông Vũ khiến nhiều người bất ngờ. Theo ông Việt, Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân nhưng mục đích chính không phải là để làm giàu. Mục đích sống của ông Vũ cao cả và thánh thiện hơn những điều mà tiền bạc có thể làm được.
Trong một lần trả lời trên báo chí, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho hay thế hệ trẻ Việt Nam cần đầu tư hơn vào việc đọc sách.
Ông nói: "Muốn hiểu một ngôi nhà thì mình xem cái gì là chủ đạo trong ngôi nhà đó, đại đa số thấy là cái TV lớn. Nhưng thực ra phải nhìn vào tủ sách. Khi mình quan sát tủ sách mình có thể biết con người đó như thế nào, sơ bộ đánh giá con người qua những gì họ đang đọc và hiểu tương đối về họ".
"Mỗi ngôi nhà nên có một nơi như vậy, nơi đó chính là ánh sáng", ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo chủ tịch Trung Nguyên, "đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào sách". Ông lấy ví dụ nếu một năm, thu nhập trung bình của người Việt Nam vào khoảng 2.600 USD thì nên bỏ 600 USD đầu tư một cái thư viện còn 2.000 USD để làm việc khác.
"Hiện nay đa phần đều đầu tư không thông minh: 2.600 USD để mua điện thoại di động, rồi sắm sửa gì đó hết. Cái đó không phải. Khi chúng ta giàu về tri thức thì mới biết làm giàu vật chất, làm giàu thể chất".
Trong quan niệm của ông, muốn làm giàu nhưng không biết nuôi dưỡng thể chất đúng khoa học, thậm chí những người làm về tài chính, bảo vẽ hệ sinh thái tiền bạc không vẽ được, thì sẽ thiếu cái nền giáo dục để làm giàu.